Thứ bảy 27/04/2024 06:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Quan tâm đời sống và hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công

18:42 | 27/07/2021

(Xây dựng) - Chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, và quan tâm chăm sóc thân nhân thương binh, liệt sỹ là những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

quang binh quan tam doi song va ho tro nha o cho gia dinh nguoi co cong
Một căn nhà hỗ trợ người có công với cách mạng đã đưa vào sử dụng.

Hơn 12.000 hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở

Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thông qua vận động xã hội hóa, sau 7 năm triển khai, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 14.436 hộ gia đình người có công với cách mạng được duyệt; trong đó 12.142 hộ đã hoàn thành việc xây mới và cải tạo nhà ở, đạt 84% đề án phê duyệt. Số hộ còn lại chưa thực hiện được và không thực hiện do gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, từ kinh phí Quỹ đền ơn đáp nghĩa và huy động các nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2015-2020, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa thêm 140 nhà ở cho người có công, trị giá hơn 5,6 tỷ đồng.

Về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, miễn giảm thuế nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng được các ngành, địa phương thực hiện miễn giảm đất ở từ năm 2015-2020 cho 138.921 hộ.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong việc triển khai Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ông Hoàng Xuân Thuận - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) khẳng định, chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc tích cực tham gia vào công tác hỗ trợ, ủng hộ, chăm lo đời sống của người có công với cách mạng, qua đó giúp người có công ổn định và từng bước cải thiện cuộc sống.

Có thể thấy, sau một quãng thời gian phấn đấu và nỗ lực của Nhà nước cũng như cộng đồng dân cư, công tác đền ơn đáp nghĩa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều cán bộ ngành Xây dựng, việc triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn Trung ương bố trí chậm; việc lồng ghép các chương trình, dự án với thực hiện Quyết định 22 chưa hiệu quả. Số hộ người có công của tỉnh tương đối nhiều, quá trình triển khai kéo dài nên có sự biến động về hiện trạng nhà ở, về đối tượng dẫn đến công tác rà soát, bổ sung 5.785 hộ ngoài Đề án đã phê duyệt, điều chỉnh đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục hỗ trợ người có công về nhà ở, cần được Trung ương bố trí tiếp nguồn vốn và lồng ghép vào các chương trình, dự án tương tự.

Quan tâm chăm sóc thân nhân người có công

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, việc triển khai chế độ chính sách người có công theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã công nhận và giải quyết chế độ cho 3.971 người có công với cách mạng. Đến tháng 7/2021, Quảng Bình đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 21.300 người có công với cách mạng và thân nhân với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng/tháng.

Đáng chú ý, thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết hồ sơ tồn đọng, hiện có 32/61 hồ sơ đủ điều kiện được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội duyệt giải quyết chế độ, gồm: 2 hồ sơ liệt sỹ và 30 hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh.

Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, các huyện, thị xã, thành phố còn luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, bảo đảm đối tượng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp lệnh.

quang binh quan tam doi song va ho tro nha o cho gia dinh nguoi co cong
Đoàn viên, thanh niên Sở Xây dựng Quảng Bình thăm viếng các phần mộ liệt sỹ.

Hiện nay, toàn tỉnh bình quân mỗi năm có gần 40.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế; gần 2.000 lượt người/năm hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo; hơn 16.000 người có công và thân nhân người có công thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; chi khoảng 600 triệu đồng/năm cho trang cấp dụng cụ chỉnh hình đối với người có công…

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và các đơn vị, cá nhân trong, ngoài tỉnh tích cực đóng góp các nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả. Riêng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, toàn tỉnh bình quân đạt trên 3 tỷ đồng/năm nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình nhìn nhận: Những tình cảm và việc làm thiết thực đã góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần khơi dậy, bồi đắp tinh thần yêu nước cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Tại Quảng Bình hiện có 85 nghĩa trang liệt sỹ với tổng số trên 18.000 phần mộ liệt sỹ, 66 nhà bia ghi tên liệt sỹ, 5 đài tưởng niệm liệt sỹ, 1 đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ.

Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các địa phương huy động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ khang trang, bền đẹp.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load