Chủ nhật 22/12/2024 13:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Quảng Bình: Phát triển đô thị, hạ tầng khu dân cư

17:24 | 01/01/2022

(Xây dựng) - Để thực hiện “giãn dân”, giảm áp lực cho trung tâm đô thị Đồng Hới cũng như các đô thị khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ đó “giải bài toán” quá tải hạ tầng thì quá trình phát triển đòi hỏi cần có quy hoạch và sự đầu tư tương xứng đối với các vùng ngoại vi.

quang binh phat trien do thi ha tang khu dan cu
Cần có sự đầu tư tương xứng đối với các vùng ngoại vi của đô thị trung tâm.

Chung tay phát triển đô thị

Việc phát triển đô thị dựa vào các trục giao thông là điều đang diễn ra trên thực tế ở nhiều đô thị, trong đó có thành phố Đồng Hới. Điều này là hợp lý bởi giao thông vốn được xem là “mạch máu” của sự phát triển.

Tuy nhiên, để phát triển các đô thị vùng ven với mục tiêu thu hút dân cư vùng trung tâm đô thị đến sinh sống thì chỉ riêng yếu tố hoàn thiện hệ thống giao thông thôi là chưa đủ.

Ông Phạm Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh, cho rằng, đi kèm với hệ thống giao thông cần tạo ra các khu dân cư lớn, nhiều tiện ích để thu hút người dân đến sinh sống. Đặc biệt là gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tập trung phát triển các khu đô thị, khu dân cư ven sông, ven biển và tới đây sẽ là ven khu công nghiệp. Do đó, đối với các dự án khu đô thị vùng ngoại vi, vùng ven, mục tiêu kép đưa ra là vừa đảm bảo tiêu chí “giãn dân”, được bố trí quỹ đất đủ lớn và cần có đủ các hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Từng trao đổi và minh họa cho quan điểm này, ông Phan Tiến Năng - Phó tổng giám đốc Công ty CP SPM INVEST, nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Phú Hải Riverside tại tỉnh Quảng Bình cho rằng: Trước đây, khi xây dựng xong hạ tầng, và đảm bảo yếu tố cần thiết như việc quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo yếu tố nhận đặt chỗ, là đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Nhưng hiện nay với các tiêu chí bắt buộc của UBND tỉnh, như cần có thêm các dự án nhà ở đi kèm như nhà ở thương mại, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự tại dự án khu đô thị, sẽ tạo ra khu vực đông dân cư, đủ tiện ích đời sống, thì câu chuyện chào bán, khách hàng tìm đến quan tâm sẽ chuyển biến tích cực hơn. “Đông dân, đủ tiện ích, minh bạch về pháp lý thì người dân sẽ tìm đến sinh sống” - ông Phan Tiến Năng nói.

Tương tự, việc phát triển khu vực ngoại vi thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy để “giãn dân tự nhiên” cho khu vực lân cận cũng cần thực hiện theo hướng tạo ra các khu đô thị mới đủ hạ tầng, môi trường sống và phát triển đủ tốt để thu hút người dân. Đây là giải pháp đã được nhiều đô thị lớn áp dụng thành công.

Bà Võ Thị Ánh - Đại diện Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Linh Lân (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết: Liên danh Công ty CP Xây dựng Địa ốc 501.9 và Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Linh Lân được chỉ định thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, quy mô 6,6 ha, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, trong thời gian 41,5 tháng.

Các hạng mục thuộc Dự án bao gồm: san nền, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng; hoàn thiện hệ thống cây xanh, vỉa hè và các hạng mục hạ tầng thiết yếu khác trong phạm vi dự án; xây dựng nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn khoảng 64.000 m2. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, việc đảm bảo các yếu tố pháp lý để có thể mở bán như hoàn tất nghĩa vụ tài chính, xây dựng nhà Shophouse, có thông báo đủ điều kiện mở bán được nhà đầu tư tiến hành thận trọng… Bởi để thu hút được sự quan tâm của khách hàng, cùng đó là tỷ lệ lấp đầy khu đô thị trong thời gian tới, tránh việc lãng phí quỹ đất là điều được nhà đầu tư hướng đến và mong đợi.

Định hình sớm để ổn định

Quảng Bình hiện là địa phương đang tăng trưởng về kinh tế. Điều này khiến tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa bàn tiếp tục diễn ra nhanh. Tất nhiên, kéo theo đó, dân số đô thị cũng tăng nhanh.

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Quảng Bình cho thấy, dân số thành thị đã tăng lên với tốc độ tăng bình quân hàng năm là 3,94%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn lại giảm bình quân là: 0,15%/năm. Thành phố Đồng Hới là địa phương có tỷ lệ tăng dân số bình quân mỗi năm cao nhất tỉnh, tiếp đến là các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch. Trong đó, dân số vẫn tăng nhanh và tập trung nhiều ở các khu vực đô thị của các địa phương này. Do đó, theo một số nhà quản lý, để tránh việc tăng nóng dân số gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, việc phát triển khu vực ngoại vi đô thị trung tâm, cần được tính toán và quy hoạch sớm. Đầu tiên là việc phải xác định được vùng đô thị trung tâm để từ đó quy hoạch được vùng ngoại vi. Bước tiếp theo là bố trí nguồn lực đủ để phát triển hạ tầng vùng ngoại vi. Muốn vậy cần tạo quỹ đất đủ lớn để có thể triển khai các dự án từ đó hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load