Thứ sáu 29/03/2024 09:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Phát huy giá trị cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới

11:58 | 17/12/2022

(Xây dựng) - Thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới gắn với toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thời gian qua, nhiều trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn được xây mới, sửa chữa, đầu tư thêm trang thiết bị nhằm đáp ứng không gian hội họp, vui chơi giải trí của người dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình: Phát huy giá trị cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới
Nhà văn hoá khu dân cư thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy.

Tạo không gian sinh hoạt cho nhân dân

Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh đang trong quá trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện tiêu chí văn hóa, xã đã xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các nhà văn hóa và thành lập mô hình sinh hoạt văn hóa tại thôn, xóm.

Đầu tư nhà văn hóa, hội trường đa năng và sân chơi thể thao để phục vụ nhân dân là một trong những tiêu chí trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, các công trình này còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe của người dân. Tại một số địa phương, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng.

Ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết: Từ khi được công nhận xã Nông thôn mới năm 2020, cả 5 thôn của xã đều có nhà văn hóa, xã có trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng, cơ bản đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch và Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh.

Mỗi năm, Ban Quản lý các thiết chế văn hóa đều đi kiểm tra hiện trạng, trên cơ sở đó đề xuất đầu tư thêm trang thiết bị, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân. Nhờ đó, nhiều thôn đã thành lập được các câu lạc bộ bóng đá; câu lạc bộ bóng chuyền; câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh…

Anh Nguyễn Văn Thành - thôn Tân Định, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhà văn hóa, có đền cầu ngư, có quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC nên về cơ sở vật chất văn hóa là không thiếu. Để đa dạng hóa các hoạt động, củng cố khối đoàn kết trong dân, mỗi năm các thôn tổ chức giải bóng đá hoặc bóng chuyền vào các ngày lễ như: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Tết độc lập. Cùng với đó, thôn, xóm thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, trang trí đường để tạo điểm nhấn khu dân cư.

Ông Phan Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) cho hay: Với tinh thần chung sức xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2022, nhân dân đã hưởng ứng đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa như: Xây dựng nhà văn hóa thôn 374 triệu đồng có diện tích sử dụng 120m2. Đóng góp 150m3 đất cải tạo mặt bằng, bê tông sân bóng chuyền 41 triệu đồng, sân vận bóng đá mini 5 triệu đồng, làm sân khấu ngoài trời 16 triệu đồng, xây hàng rào khuôn viên nhà văn hóa 66 triệu đồng, xây dựng hệ thống truyền thanh 21 triệu đồng, điện chiếu sáng ban đêm các tuyến đường trong thôn hơn 10 triệu đồng…

Để tăng tỷ lệ người dân tham gia mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, trong năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các thôn họp từng cụm dân cư lấy ý kiến, phát phiếu khảo sát nhu cầu tham gia mô hình văn hóa, thể thao của người dân. Trên cơ sở đó, UBND xã đầu tư trang thiết bị, cải tạo và sửa chữa nhà văn hóa; thành lập các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, sáng tác và ban hành quy chế hoạt động.

Bà Lê Thị Thu Cúc - Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) nói rằng: Phường Đồng Phú có vị trí trung tâm thành phố với 11 tổ dân phố và là một trong những phường đi đầu trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trong năm 2022, phường Đồng Phú đưa vào sử dụng công trình nhà văn hóa Tổ dân phố 2 với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng bao gồm cả phần xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 600 triệu đồng, ngân sách phường bố trí 2,1 tỷ đồng, nguồn đóng góp của nhân dân gần 300 triệu đồng.

Công trình này có diện tích 977m2, gồm: Hội trường có sức chứa 250 chỗ ngồi, phòng làm việc, nhà kho, công trình vệ sinh, sân thể thao khang trang, hiện đại, sạch đẹp; các trang thiết bị được đầu tư đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hội họp của người dân.

Cần phát huy giá trị cơ sở vật chất

Theo đánh giá chung, tại các xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu đều đáp ứng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thiết chế theo quy định. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, trung tâm thể thao - học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa thôn còn thiếu công trình, thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi cho thiếu nhi; chưa đa dạng các hoạt động thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia thường xuyên; công trình xuống cấp, hư hỏng.

Quảng Bình: Phát huy giá trị cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới
Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh tiếp tục đầu tư, xây dựng mới nhà văn hóa cộng đồng.

Một số lãnh đạo xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) cho biết: Trên địa bàn xã có 10 nhà văn hóa với các thiết chế, dụng cụ cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, giải trí của bà con nhân dân. Tuy vậy, nhiều nhà văn hóa thôn xây dựng đã lâu, chưa có khuôn viên, khu vui chơi cho thiếu nhi, lại chống chịu với mưa bão hàng năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng, tập trung ở khu vực 1 thuộc xã Ngư Thủy Trung cũ trước đây gồm: Nhà văn hóa thôn Tân Thượng Hải, Nam Hải, Thượng Nam, Thượng Hải, Thượng Bắc. Trong hoàn cảnh này, bà con nhân dân đã chịu khó chọn những ngày thời tiết thuận lợi để hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao.

Địa phương này cũng đã đưa kế hoạch ưu tiên xây dựng lại 4 nhà văn hóa thôn và tu sửa 1 nhà văn hóa thôn tại khu vực 1 trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tham gia đoàn của tỉnh đi khảo sát thực tế, đánh giá kết quả xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu tại một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Bình mới đây, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch cho rằng: Hầu hết các địa phương đều đáp ứng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thành lập được các mô hình văn hóa và duy trì hoạt động tạo sân chơi cho người dân. Ngoài cơ sở của Nhà nước, còn có hệ thống các trung tâm thể dục thẩm mỹ, sân tập thể thao, hồ bơi của tư nhân cũng góp phần đa dạng đời sống tinh thần.

Theo ngành Văn hóa, để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa, địa phương cần thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý trung tâm thể thao - học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, quan tâm đầu tư thêm thiết bị, chỉnh trang khuôn viên và xã hội hóa các hoạt động.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load