Thứ ba 05/11/2024 01:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Quảng Bình: Nỗ lực đào tạo nghề giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động nông thôn

15:58 | 20/03/2020

(Xây dựng) - Năm 2020, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm được UBND tỉnh Quảng Bình giao tại Kế hoạch số 399/KH-UBND ngày 18/3/2020 là 12.500 lao động. Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, tỉnh tập trung đồng bộ nhiều giải pháp.

quang binh no luc dao tao nghe giai quyet viec lam cho hon 12000 lao dong nong thon
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập.

Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ngày 18/3/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra Kế hoạch số 399/KH-UBND “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 với mục tiêu nâng cao chất chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông thôn; nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với công tác đào tạo nghề.

Trong kế hoạch thực hiện, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho 12.500 lao động nông thôn, trong đó trình độ cao đẳng 150 người; trung cấp 1.550 người; sơ cấp và dưới 03 tháng 10.800 người với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 22 tỷ đồng.

Cụ thể, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho lao động nông thôn từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn kinh phí địa phương là 5.000 người. Trong đó, giao chỉ tiêu huyện Lệ Thủy 700 người; huyện Quảng Ninh 600 người; thành phố Đồng Hới 600 người; huyện Bố Trạch 650 người; thị xã Ba Đồn 650 người; huyện Quảng Trạch 600 người; huyện Tuyên Hóa 650 người; huyện Minh Hóa 550 người.

Phấn đấu tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đầu tư mua sắm, sử dụng thiết bị đào tạo cho các Trung tâm giáo dục - dạy nghề; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, cấp xã và ở các cơ sở đào tạo nghề...

Về thực hiện đúng phân công, phân cấp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp, hướng dẫn xây dựng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; cung cấp thông tin về định hướng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm; hướng dẫn các cơ sở xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn về giáo dục nghề nghiệp và chủ động lựa chọn các loại hình đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp giáo dục phổ thông.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp phụ trợ, du lịch, dịch vụ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; chú trọng chỉ đạo hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn ở địa phương. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau học nghề”.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, thu nhập và giảm nghèo là công việc lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tập trung lồng ghép vào trong các chương trình phát triển; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng, điều chỉnh thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng và triển khai các dự án giảm nghèo. Góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống mức thấp nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load