(Xây dựng) - Toàn tỉnh Quảng Bình có 150 đập, hồ chứa thủy lợi và 1 hồ thủy điện, với tổng dung tích trữ nước khoảng 560 triệu m3 phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, hiện có đến 56 công trình bị xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ sạt lỡ, vỡ đập rất lớn.
Áp lực nước khiến trụ bê-tông hao mòn. |
Cụ thể, Quảng Bình hiện có 25 hồ chứa nước, với dung tích từ một triệu m3 trở lên được đầu tư xây dựng kiên cố, bảo đảm an toàn. Số hồ chứa nước còn lại chủ yếu xây dựng thủ công, đập đất nên cần duy tu, sửa chữa thường kỳ. Nhiều hồ, đập đã có tuổi thọ 30 đến 40 năm, được xây dựng trong thời kỳ đất nước khó khăn, quy mô còn hạn chế, công nghệ thi công lạc hậu.
Sau một thời gian dài đưa vào sử dụng và chịu tác động của mưa bão, lũ lụt nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhất là các hồ, đập nhỏ do các địa phương quản lý. Những hư hỏng thường gặp là đập đất bị lún, mái đập thượng lưu chưa được lát đá bảo vệ, tràn xả lũ là tràn đất bị xói lở mạnh do nước lũ chia cắt.
Tại công trình hồ thủy lợi Cửa Nghè (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) được xây dựng từ những năm 1977, cùng với hồ Vực Tranh, công trình phục vụ tưới tiêu cho khoảng 600ha lúa. Năm 1985, hồ thủy lợi Cửa Nghè bị vỡ, sau đó được tu sửa tạm thời nhưng do thiếu kinh phí. Với thiết kế dung tích chứa đến 1,2 triệu m3 nước nhưng hiện công trình hồ thủy lợi Cửa Nghè vẫn không có tràn sự cố, thiếu hệ thống tường chắn và chưa gia cố mặt đập, đặc biệt phần tháp của cống lấy nước chưa có… Khi vào mùa mưa lũ chính vụ, áp lực sự cố đe dọa công trình này luôn thường trực.
Một thân đập bị rò rỉ nước. |
Ông Nguyễn An Tư - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết: Hồ Cửa Nghè chưa được gia cố triệt để, một hồ thủy lợi không có tràn sự cố rất nguy hiểm. Những hồ này yêu cầu phải mở rộng tràn xả lũ, hồ này tràn chỉ rộng 10m, yêu cầu phải mở rộng 20m, để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho thấy, toàn tỉnh có 150 đập, hồ chứa thủy lợi các loại và 1 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ nước khoảng 560 triệu m3 phục vụ tưới cho trên 55.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sinh hoạt. Nhưng hiện tại, có đến 56 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế. Riêng hạng mục tràn xả lũ có đến 39 tràn xả lũ xuống cấp, trong đó 22 cái bị nứt, hư hỏng nặng như: Hồ Văn Minh, Đông Xuân, Troóc Vực, Đồng Suôn, Khe Su, Khe Tắt, Bàu Sen, Bàu Tràm, Bàu Ôốc, Khe Nậy, Khe Mái, Phú Hội... và 13 hồ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng và 4 hồ thiếu khả năng xả lũ.
Công trình thủy lợi hồ chứa nước Cửa Nghè. |
Hàng năm, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình nhận được hàng chục văn bản của các xã đề nghị hỗ trợ kinh phí để nâng cấp hồ chứa, đập dâng. Tuy nhiên, kinh phí dành để sửa chữa các hồ chứa trước mùa mưa bão ở tỉnh Quảng Bình hàng năm khoảng hai đến ba tỷ đồng, do đó thường chỉ ưu tiên cho các công trình lớn, mức độ mất an toàn cao.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có quy mô nhỏ, được xây dựng từ lâu, trong khi nguồn hỗ trợ từ kinh phí thủy lợi phí không đáng kể. Việc không được duy tu, sửa chửa thường xuyên nên các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Thủy lợi đã yêu cầu các đơn vị vận hành thường xuyên kiểm tra an toàn các công trình, có phương án sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trong khả năng hiện có. Về lâu dài, để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa bão đề nghị các cấp, các ngành quan tâm.
Phương án xử lý rò rỉ nước gây xói mòn đất chân đập tạm thời là đóng kè bằng cọc tre; mua thêm đất để đổ gia cố chân đập. Về chi phí để xây dựng hoàn thiện tuyến kè với chiều dài 1km phải trên 3 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý đê, hồ đang kiểm tra tình trạng sạt lở công trình |
Hiện nay, một số quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, phần lớn số lượng hồ đập trên địa bàn tỉnh đã xây dựng từ lâu, không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn.
Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, chủ đập và cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ định kỳ, theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Cụ thể, phải khảo sát, thăm dò ẩn họa, khuyết tật công trình; kiểm tra tình trạng sạt lở, bồi lắng lòng hồ chứa nước; kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành; đánh giá chất lượng và an toàn của đập, hồ chứa nước.
Nhất Linh
Theo