(Xây dựng) - Tháng 10/2020, nhiều tỉnh, thành ở miền Trung đang ngập tràn trong mưa lũ, bên cạnh giải pháp ứng cứu, di dân của chính quyền, một bộ phận không nhỏ người dân được an toàn trên các công trình nhà tránh lũ, chủ động trong các tình huống.
Nhà tránh lũ cho hộ nghèo, giúp nhiều hộ dân vùng lũ an tâm trong mưa bão.
An tâm trong chòi tránh lũ kiên cố
Lũ chồng lũ tại Quảng Bình trong những ngày tháng 10/2020, đang gây ra những tổn thất vô cùng về người và tài sản. Khi người dân miền Trung chật vật với mưa lũ thì đề án nhà tránh lũ mới nhận được sự chú ý của nhiều cá nhân và tổ chức.
Tại xã Tân Ninh, nơi được xem là vùng trũng của huyện Quảng Ninh, tất cả các thôn ở địa phương này giờ đang ngập trong biển nước. Xã Tân Ninh hiện có hơn 100 căn nhà tránh lũ, thực hiện theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Gác 1 được làm nơi kê lương thực, tài sản.
Gác 2 được dùng làm nơi lưu trú trong những ngày lũ.
Gia đình cụ Hoàng Văn Dĩ và Nguyễn Thị Bưởi (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh) tuổi đã ngoài 70, là gia đình thuần nông. Trong ký ức của các cụ và 7 người con, sau bão, áp thấp nhiệt đới là kéo theo mưa lũ, con nước dữ đến cướp đi toàn bộ lúa gạo tích trữ, vật nuôi, đồ dùng của gia đình và hàng xóm. Cứ thế, chi phí sửa chữa nhà, sắm lại vật dụng sau thiên tai là việc thường niên, khá tốn kém. Ấy vậy, đến hơn 70 tuổi mà các cụ chưa kiên cố được nhà ở.
Ngồi trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chỉ tay sang phía gác chòi hai tầng kiên cố liền kế, cụ Bưởi kể: “Đầu năm 2016, Nhà nước hỗ trợ cho gia đình 17,5 triệu đồng, tạo điều kiện cho vay thêm tín dụng ưu đãi 10 triệu đồng; con cái giúp đỡ thêm tiền mặt nên tôi mới xây được căn gác hai tầng kiên cố trị giá gần 70 triệu đồng. Trong cơn lũ năm 2020 này, nước dâng rất cao, nhưng chúng tôi vẫn an toàn và không quá bị động. Các con cũng không quá sốt sắng như trước đây”.
Cùng đó, ngược trở về vùng quê lúa huyện Lệ Thủy, qua nắm bắt nhanh, chúng tôi được biết, đây là địa phương có số hộ dân bị ngập lụt lớn nhất tỉnh với hơn 30.000 ngôi nhà bị ngập nước ở các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy… nước ngập sâu trên 1m.
Qua liên lạc với các hộ bà Đỗ Thị Sáu, ông Nguyễn Văn Tuyền (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) được biết, hiện khu vực xã này nước lũ đang dâng cao, nguy cơ hơn 4,30m, cao hơn nhiều so với đợt lũ trước. Vì có nhà tránh lũ, nên các hộ đã chuyển lương thực, quần áo, phương tiện lên nơi cao, tránh ngập nước. Nhiều hộ dân khác không có nhà tránh lũ vì bị động và chủ quan nên ít nhiều bị ướt, thiếu lương thực.
Ông Nguyễn Văn Tuyền chia sẻ: “Với nhà tránh lũ, gia đình tôi khá an tâm vì không lo ngại chuyện nhà ở bị sập hay lạnh run như nhà đất trước đây. Hiện các thành viên rất an toàn, giải pháp nhà tránh lũ tuy không quá nhiều tiền nhưng khá vững chãi trong mưa lũ miền Trung”.
Đại diện UBND huyện Lệ Thủy thông tin: “Theo dự báo, sông Kiến Giang có khả năng đạt đỉnh lũ 4.30m, trên báo động ba 1.60m, vượt lũ lịch sử năm 1979, điện lưới đã được cắt. UBND huyện đang chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn. Với giải pháp nhà tránh lũ, rất nhiều hộ nghèo đang an toàn về tính mạng và tài sản trong lũ lụt, công tác ứng cứu cũng giảm bớt áp lực”.
An toàn trong nhà phao nổi
Làm nhà phao hay nhà bè để trụ lại với con nước dữ là một cách làm sáng tạo của người dân vùng lũ Tân Hóa (huyện vùng cao Minh Hóa) để sinh tồn với tình trạng mưa lũ.
Với đặc thù nằm sâu trong thung lũng, xung quanh là núi đá vôi cao, tạo nên địa hình lòng chảo, khi mưa lũ sẽ trở thành túi nước khổng lồ. Lũ ở huyện Minh Hóa đến rất nhanh, khi người dân chưa kịp trở tay ứng phó thì nó đã quét qua, bủa vây và cuốn trôi nhiều thứ.
Nhà phao tránh lũ, giải pháp hiệu quả chống chịu ngập sâu từ 4 đến 14m.
Trong mưa lũ các năm 2010, 2016, 2017 và 2020, nước dâng nhanh gây ngập từ 3 - 4m, thậm chí có nơi ngập đến 6 - 7m; giao thông bị cản trở nên khu vực này bị cô lập. Nhà dân chìm trong nước, tài sản, lương thực, hoa màu bị cuốn đi. Người dân thì phải nhanh chân leo lên các lèn đá vôi để thoát thân.
Sau trận lũ lịch sử 2010, một số hộ dân mạnh dạn làm các nhà phao tránh lũ, ban đầu là mô hình chòi phao tránh lũ đơn giản với không gian 12m2, vật liệu từ tre, gỗ, mái bằng tôn, đáy bằng tôn… số lượng người cho phép khoảng 5 người.
Qua thực tế mưa lũ và khuyến cáo từ Sở Xây dựng, mô hình này đã có những cải tiến quan trọng. Thay vì tiếp tục tạo các căn chòi nổi đơn giản như trước, người dân đầu tư kinh phí nhiều hơn để nâng cấp thành nhà phao tránh lũ, rộng tương đương với nhà chính đang ở, với kết cấu sàn và tường bằng gỗ, thép hộp và tôn; các mối liên kết được hàn lại chắc chắn. Một nhà phao rộng chừng 20 - 25m2, chi phí tầm 30 triệu đồng.
Trong các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 07/10 đến nay (19/10), theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện toàn xã Tân Hóa có 319 nhà phao, chiếm khoảng 50% hộ dân cư.
Mô hình nhà phao này có nguyên lý hoạt động như hệ thống vận thăng cột. Trong điều kiện bình thường, hệ thống phao nổi sẽ nằm ổn định trên móng nhà bằng bê tông được xây dựng trước đó. Trong mưa lũ, khi nước dâng lên thì hệ thống phao cũng nổi lên, đưa căn nhà lên cao. 4 trụ neo ở phía ngoài sẽ dẫn hướng căn nhà nổi lên theo phương thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng.
Ông Trương Thanh Duẫn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa chia sẻ: “Sử dụng nhà phao nổi nên nhiều hộ gia đình đã vượt lũ an toàn. Có thể nhìn nhận rằng đây là cách làm phù hợp để thích ứng được với điều kiện mưa lũ tại khu vực này”.
Ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: “Với Đề án 48 (Quyết định 48/2014/QĐ-TTg) tại 13 tỉnh Duyên hải miền Trung trong bão hiện nay cho thấy được hiệu quả của công trình kiên cố. Với vùng lòng chảo, vùng cao ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa trong mưa lũ chịu ngập lụt rất sâu, từ 4 - 14m, không có chòi tránh lũ cố định nào đủ sức chống chọi nổi. Nhà phao là giải pháp căn cơ ở đây, cần được khuyến khích nhân rộng”.
Như vậy, với thực tế mưa lũ càng cực đoan và dị thường ở miền Trung hiện giờ, việc kết hợp giữa nhà tránh lũ cố định và nhà phao tránh lũ là biện pháp cấp bách, khả thi nhất để phát huy hiệu quả đề án nhà tránh lũ trong bối cảnh hiện thời.
Nhất Linh
Theo