(Xây dựng) – Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng lượng năm 2022 ước đạt 2.110.330 lượt khách, tăng 3,7 lần. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 33.731 lượt, gấp 5,92 lần so với năm 2021, tổng doanh thu đạt 2.426 tỷ đồng.
Hội nghị kết nối hoạt động du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. |
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 502 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 17 khách sạn 2 sao, 14 khách sạn 1 sao cùng hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với khoảng 6.000 buồng, khoảng 12.000 giường. Cùng đó, có 23 đơn vị lữ hành quốc tế và nội địa. Tổng số khách lưu trú trong năm 2022 ước đạt 1.333.157 lượt khách, tăng gấp 5,13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú dự ước đạt 450,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nhìn nhận: Năm 2022 là năm đầu phục hồi nhiều ngành nghề, lĩnh vực sau đại dịch Covid-19, với các giải pháp chủ động, kịp thời về tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới, sẵn sàng mở cửa phục vụ du khách, du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi và thu về kết quả tích cực.
Đặc biệt, du lịch Quảng Bình được xếp thứ 7 trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021; Phong Nha - Kẻ Bàng được AFAR (Mỹ) vinh danh là 1 trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022. Hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày 14/4 với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người.
Du lịch Quảng Bình phấn đấu năm 2023 đón hơn 3 triệu lượt khách trong đó số lượng khách quốc tế là 100.000 lượt, du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định một trong những điếm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và là một trong những điểm đáng trải nghiệm nhất tại khu vực châu Á và thế giới.
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2023 tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa nhằm phục hồi, ổn định và tăng trưởng ngành Du lịch với mục tiêu khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới. Theo đó, ngành Du lịch Quảng Bình năm 2023 phải tiếp tục nổi bật trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch trọn gói, sản phẩm du lịch đặc thù như: Golf kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch MICE; các sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Ngành Du lịch Quảng Bình sẽ tiến tới ổn định để tăng doanh thu. |
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng chia sẻ vấn đề băn khoăn khi phát triển du lịch tại tỉnh trong bối cảnh hiện nay là nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi, đặc biệt là vấn đề cấp hộ chiếu cho khách quốc tế trong thời gian dài hơn và cho phép được gia hạn tại Việt Nam; quan tâm hơn đến lĩnh vực du lịch văn hóa lịch sử và du lịch mạo hiểm.
Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ: Du lịch đã có sự thay đổi lớn cả về thị hiếu, yêu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ du lịch, phương thức, nội dung quảng bá truyền thông cũng như công tác quản lý Nhà nước. Quảng Bình với tiềm năng thiên nhiên sẵn có, nếu không khai thác tốt du lịch dịch vụ thì sẽ là điều đáng tiếc. So với nhiều địa phương khác, tỉnh Quảng Bình có tốc độ phục hồi sau dịch bệnh tương đối nhanh.
Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh nhà tiếp tục triển khai kế hoạch tăng trưởng với phương châm chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và mang lại hiệu quả thực sự, cơ bản đạt được mục tiêu mà Sở Du lịch đề ra là sẽ đón 3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt hơn 2.450 tỷ đồng.
Nhất Linh
Theo