(Xây dựng) - Là trung tâm quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được thành lập sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng du lịch nơi đây.
Lễ công bố Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 thành lập thị trấn Phong Nha. |
Khi du lịch là mũi nhọn
Sở hữu vị trí đặc biệt khi là trung tâm tiểu vùng của các xã vùng gò đồi, miền núi của huyện Bố Trạch, thị trấn Phong Nha còn có lợi thế lớn về giao thông khi là địa bàn quan trọng trong mạng lưới giao thông huyết mạch với Đường 20 - Quyết Thắng để đi qua nước bạn Lào; đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây đi dọc theo phía Tây tỉnh Quảng Bình nối các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy và các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh; đường sông về Cảng Gianh...
Hơn hết, Phong Nha có thế mạnh về du lịch sinh thái với hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn.
Tiêu biểu như động Thiên Đường được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất châu Á. Hay hang Sơn Đoòng, được cho là hang động lớn nhất thế giới, vượt hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Sarawak Malaysia.
Bên cạnh đó, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn có hàng chục con suối và thác nước đẹp như: Khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc... Nơi đây cũng có nhiều đặc sản, món ăn ngon, hấp dẫn khách du lịch.
Tập trung xây dựng khu vực Phong Nha thành đô thị du lịch đúng nghĩa của tỉnh Quảng Bình. |
Trên cơ sở đó, nhiều năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Bố Trạch đã đầu tư ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các khu phố như bê-tông hóa các tuyến đường; bổ sung hệ thống điện chiếu sáng; các khu vực cây xanh tiểu công viên. Ngoài các vấn đề chăm lo đến sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền còn tạo cơ chế khuyến khích xây dựng những điểm hoạt động mang tính chất cộng đồng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục ổn định, đáp ứng hoạt động cung cầu hàng hóa được đảm bảo, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân đầy đủ. Hoạt động du lịch đã có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thông qua lễ hội hang động và liên kết du lịch với nhiều hình thức đa dạng thông qua các áp phích, băng rôn, biểu ngữ dọc tuyến đường trung tâm Phong Nha nên dịch vụ, du lịch đạt kết quả tích cực. Khai thác nhiều tuyến du lịch mới đưa vào phục vụ du lịch.
Với tiềm năng sẵn có cùng định hướng đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn, Phong Nha đang “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư rót vốn vào các dự án du lịch tầm cỡ để cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh như xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh, các dịch vụ du lịch cộng đồng như homestay, du lịch về nguồn, du lịch mạo hiểm, khám phá ngày càng phát triển. Hiện, ở thị trấn này có 101 cơ sở lưu trú với 960 phòng, 1.903 giường và 46 homestay.
Hướng đến đô thị chuyên biệt
Sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 862/NQ - UBTVQH14, thành lập thị trấn Phong Nha trên cơ sở nguyên trạng của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch kể từ ngày 01/02/2020 đánh dấu việc hình thành một đô thị du lịch chuyên biệt của tỉnh Quảng Bình, cùng một mô hình chính quyền thị trấn đúng nghĩa, với sứ mệnh cụ thể.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ định hướng phát triển của thị trấn Phong Nha. |
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: Thị trấn Phong Nha được thành lập đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, phát triển đô thị của địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bố Trạch nói riêng và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình nói chung. Việc thành lập thị trấn cũng vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh, trật tự toàn xã hội, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng và lòng mong mỏi của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo đó, thị trấn Phong Nha được thành lập sẽ có điều kiện để tập trung phát triển các khu chức năng đô thị như: Khu trung tâm đô thị, khu dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, khu cây xanh - thể dục, thể thao, các khu du lịch, khu di tích, tôn giáo, hệ thống các công trình hạ tầng đô thị để thị trấn phát triển mạnh hơn về nhiều mặt, sớm trở thành một đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng, điều kiện sống đô thị cho nhân dân trong khu vực
Quá trình đô thị hóa sẽ tạo ra sự thay đổi về nhận thức và trách nhiệm của người dân trong vùng trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên và thiên nhiên ban tặng cho địa phương để khai thác phát triển kinh tế - xã hội, người dân được tạo một động lực mới để tiếp tục vươn lên.
Ông Trần Nam Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha nhìn nhận: Sự phát triển của thị trấn Phong Nha trong tương lai sẽ tạo bước chuyển biến tích cực, tác động đến mọi mặt đời sống của xã hội. Để trở thành một đô thị du lịch mà vẫn giữ gìn được bản sắc của mình trong quá trình đô thị hóa, các công trình kiến trúc gồm nhà ở, công trình công cộng, trụ sở cơ quan... phải được thiết kế hài hòa giữa hiện đại gắn liền với cảnh quan thiên nhiên của khu vực miền núi. Bên cạnh đó vẫn tiếp cận với những nền kiến trúc hiện đại để tạo ra một đô thị đa dạng và hài hoà về kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Nhất Linh - Tuyết Mây
Theo