Thứ hai 25/11/2024 13:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Quảng Bình: Gặp khó khăn, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh tạm ngừng sản xuất clinker hơn một năm

09:58 | 29/08/2024

(Xây dựng) - Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, clinker vẫn ở mức cao, nguồn cung cao hơn so với nhu cầu sử dụng; tiêu thụ xi măng, clinker trong nước và xuất khẩu sụt giảm mạnh… là những nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy Xi măng Vạn Ninh, thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân dừng sản xuất clinker từ tháng 5/2023 đến nay.

Quảng Bình: Gặp khó khăn, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh tạm ngừng sản xuất clinker hơn một năm
Nhà máy Xi măng Vạn Ninh dừng sản xuất clinker từ tháng 5/2023 đến nay.

Nhà máy Xi măng Vạn Ninh (trước đây là Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2, do Công ty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng). Nhà máy được khởi công từ tháng 7/2009, tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), đến tháng 12/2011 chính thức đi vào vận hành.

Năm 2013, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh đã được Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân tiếp nhận và quản lý. Sau khi tiếp nhận, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân đã triển khai công tác kiểm kê, bàn giao và duy trì việc vận hành. Nhà máy có công suất sản xuất theo thiết kế là 1.500 tấn clinker/ngày, khoảng trên 500.000 tấn clinker/năm; đồng thời ổn định cuộc sống, thu nhập cho hơn 200 cán bộ, công nhân.

Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay do gặp giá nguyên liệu, nguồn cung vượt xa so với nhu cầu sử dụng khiến Nhà máy Xi măng Vạn Ninh dừng hoạt động trong nhiều tháng.

Theo báo cáo của Nhà máy Xi măng Vạn Ninh, từ năm 2023, nhà máy rơi vào tình trạng gặp khó khăn, trong đó có những lý do như: Nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, clinker vẫn ở mức cao; tiêu thụ xi măng, clinker trong nước và xuất khẩu sụt giảm mạnh, tồn kho tăng cao. Do vậy, nhà máy chỉ hoạt động sản xuất clinker được 59 ngày, từ ngày 6/5/2023 đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất clinker. Trong năm 2023, công ty thua lỗ hơn 64 tỷ đồng.

Quảng Bình: Gặp khó khăn, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh tạm ngừng sản xuất clinker hơn một năm
Hệ thống máy bên trong Nhà máy Xi măng Vạn Ninh.

Năm 2022, doanh thu hoạt động sản xuất của Nhà máy Xi măng Vạn Ninh là gần 440 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 tỷ đồng; năm 2023, doanh thu hoạt động sản xuất đạt hơn 142 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 tỷ đồng; nhưng 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Trong năm 2024, nhà máy xây dựng kế hoạch sản xuất 130.000 tấn clinker. Tuy nhiên, theo như tình hình hiện nay thì năm 2024 nhà máy sẽ không sản xuất clinker. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty thua lỗ gần 30 tỷ đồng, tổng số lao động hiện tại chỉ còn 148 người.

Lãnh đạo Nhà máy Xi măng Vạn Ninh cho biết, mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng tạo điều kiện việc làm cho người lao động có thu nhập và nộp đầy đủ các khoản thuế, phí đối với Nhà nước và chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Quảng Bình: Gặp khó khăn, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh tạm ngừng sản xuất clinker hơn một năm
Giá nguyên liệu tăng cao, cùng với nguồn cung vượt xa so với nhu cầu, việc tiêu thụ khó khăn, thua lỗ khiến nhà máy dừng sản xuất clinker.

Tại Báo cáo số 1281/BC-SXD ngày 3/6/2024 của Sở Xây dựng Quảng Bình gửi Bộ Xây dựng, về tình hình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Năm 2022, 2023 ngành Xi măng tiếp tục đối mặt tình trạng dư cung, lượng tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, giá than đầu vào lại neo ở mức cao đã kéo biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành đi xuống, lợi nhuận ngành Xi măng giảm sút khi áp lực nguyên liệu đầu vào tăng đột biến.

Các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu, đầu tư xây dựng hệ thống sử dụng nhiên, nguyên liệu thay thế (dùng biomass, chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, sơ chế để thay thế một phần than đá…) nhưng do tình hình thực tế hiện nay thiếu hụt nguồn cung của nhiên, nguyên liệu thay thế; khó khăn về chi phí nguyên liệu đầu vào: Giá bán clinker tăng thấp, trong khi giá điện tăng, giá nhiên liệu (than) tăng, thuế xuất khẩu tăng lên 10% từ năm 2023, nên sản xuất lỗ nhiều hơn dừng sản xuất, do đó các nhà máy chọn phương án tạm dừng sản xuất.

Đào Hồng Thiệu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load