Thứ bảy 27/04/2024 04:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng tìm giải pháp thích ứng với đại dịch Covid-19

13:02 | 21/11/2021

(Xây dựng) - Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành Xây dựng. Tại Quảng Bình, một số doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu cũng gặp nhiều khó khăn, đang tìm hướng thích ứng để ổn định.

quang binh doanh nghiep linh vuc xay dung tim giai phap thich ung voi dai dich covid 19
Các đơn vị xây dựng tăng cường ca kíp, xe máy để rút ngắn thời gian thi công.

Những ngày cuối năm 2021, tại dự án Khu đô thị Phú Hải Riverside, phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới) sau khoảng thời gian trầm lắng vì nghỉ dịch, hiện lượng công nhân làm việc ở công trường đã có xu hướng tăng lên, ở mức thường trực hơn 60 lao động. Để đảm bảo ổn định sức khỏe, và nguồn thu nhập tháng cho công nhân lao động, là một sự quyết tâm lớn của nhà đầu tư, cũng như thành viên cốt cán của Ban Quản lý dự án này.

Ông Phan Tiến Năng - Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: Trong khoảng thời gian hơn 5 tuần nghỉ dịch (các tháng 8, 9/2021), đơn vị đã khẩn cấp xây dựng phương án đảm bảo đời sống cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động hơn 120 người. Theo đó, công trường dự án sẽ là nơi đóng lán trại để các thành viên sinh hoạt, nghỉ ngơi và cách ly theo dõi khi có biểu hiện nhiễm bệnh. Các thành viên không được ra khỏi phạm vi công trường dự án, tránh các tiếp xúc với dân cư. Với quy chế khắt khe, người lao động nghiêm túc chấp hành, các ca nhiễm bệnh cũng được sớm bóc tách đưa đi chữa trị, thiệt hại về nhân mạng không xảy ra…

Sau khi được chính quyền tỉnh cho phép kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh. Một vấn đề mới đặt ra là làm sao để giữ chân được công nhân, bởi đa phần người lao động tự do có tâm lý xin nghỉ để về quê. Cùng đó, cát xây dựng, xi măng, thép xây dựng, đá hộc, thiết bị điện đều tăng giá từ 10 - 50%. Tính đến hết tháng 11/2021, một số hạng mục vì chưa nhập đủ thiết bị về lắp đặt nên chưa được hoàn thiện, có khối lượng để nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu phụ.

quang binh doanh nghiep linh vuc xay dung tim giai phap thich ung voi dai dich covid 19
Giá vật liệu biến động tăng, gây khó khăn cho nhà thầu xây lắp.

“Thời điểm cuối năm, nhiều nhóm công nhân trong tỉnh đã tìm về dự án, xin được làm việc để cuối năm có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Qua sơ tuyển, kiểm tra sức khỏe người lao động, chúng tôi đã bố trí họ vào những tổ đội thi công mới, giao công việc phù hợp.

Cùng đó, đơn vị cũng đã xây dựng phương án cân đối lương, thưởng trên phương châm “giảm thu, bù chi”, nhằm đảm bảo cuối năm người lao động có cái Tết an vui, vượt qua một năm gian khó, và sẵn sàng đồng hành trong năm mới 2022l”, Trưởng Ban quản lý dự án Khu đô thị Phú Hải Riverside chia sẻ.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19, công trình cổng chào hai đầu thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, do Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hoàng Gia thi công dở dang, gặp không ít trở ngại.

quang binh doanh nghiep linh vuc xay dung tim giai phap thich ung voi dai dich covid 19
Bố trí tổ đội thi công hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Ông Hà Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hoàng Gia cho biết: “Gói thầu xây lắp chúng tôi phụ trách có giá trị 7 tỷ đồng, tương ứng với mỗi cổng chào là 3,5 tỷ đồng. Việc thi công phần đế trụ và thân cổng chào sử dụng rất nhiều thép cây, thép tấm, thép hộp. Bên cạnh chậm trễ trong việc được giao mặt bằng sạch để thi công, thì việc tuyển chọn đủ thợ hàn bậc 6; nhập đủ khối lượng thép trong bối cảnh giá sắt thép xây dựng các loại tăng đến 40% ở thời gian gần đây, khiến doanh nghiệp chịu nhiều tác động.

Tuy vậy, khắc phục khó khăn, bằng việc cân đối nguồn lực, chúng tôi đã động viên công nhân lao động tăng ca, việc hàn, gá lắp được đẩy nhanh. Hiện, cổng chào phía Nam đã được sơn lót, tới đây sẽ được cẩu lắp đặt vào đế trụ và sơn thẩm mỹ, chống ăn mòn. Các năm tới, chúng tôi áp dụng kế hoạch thích ứng với bối cảnh mới hiện thời”.

Đại diện Nhà máy Tấm lợp Fibrocement Cosevco ở xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) chia sẻ: Hiện tại, số lượng hàng hóa còn tồn đọng của Công ty chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm. Nguyên nhân chính do thị trường trong tỉnh tiêu thụ chậm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Về sản phẩm gạch không nung, cũng chung tình trạng tiêu thụ chậm. Tiêu thụ sản phẩm khó khăn là vậy, song doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm duy trì hoạt động, đảm bảo giờ làm việc cho người lao động.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, như:

Một là, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 2447/SXD-QLXD hướng dẫn đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng nhằm đảm bảo sức khỏe và môi trường làm việc thường xuyên cho người lao động. Trọng tâm là trong giờ làm việc và sinh hoạt tại công trường, người lao động luôn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, như đảm bảo khoảng cách, khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn; giờ ăn ca của công nhân thực hiện thay phiên nhau, chia thành từng nhóm và ăn các giờ khác nhau trong ngày, tránh tình trạng đông người ăn cùng một lúc…

Hai là, khuyến cáo công nhân không đi ra ngoài tỉnh, nhất là những địa phương đang có dịch, trong trường hợp quá cấp thiết phải đi thì báo cáo cụ thể với người quản lý, nếu đi đến những vùng có dịch phải thực hiện cách ly đúng quy định.

Ba là, Sở Xây dựng chủ động phối hợp với các các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ sản xuất xây dựng như: Sắt, thép, xi măng... để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn nguyên liệu cung ứng cho các dự án trên địa bàn, nhằm giúp cho các công trình đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, mặc dù tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ kế hoạch hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng ước tính có khoảng 7.750 người lao động phải tạm ngừng làm việc hoặc mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Một số doanh nghiệp ngoài tỉnh phải chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đối với các đơn vị trực thuộc tại tỉnh Quảng Bình để thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Bài: Quảng Bình: Doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng từng bước thích ứng, chủ động kế hoạch hoạt động, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load