(Xây dựng) - Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần mạnh tay hơn với các dự án chậm, dở dang nhiều năm.
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII. |
Quảng Bình rất chú trọng quảng bá, kêu gọi, trải thảm đỏ để thu hút đầu tư. Đây là những bước đi quan trọng để phát huy sức mạnh nội lực, khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế địa phương. Nhưng trên thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ năng lực để đảm đương nổi sự kỳ vọng nói trên, với những dự án chậm thì cần phải kiên quyết thu hồi.
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục thuế tỉnh cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đầu tư thực hiện dự án hoặc tiến độ thực hiện chậm, qua đó phát hiện 110 dự án chậm tiến độ và tiến hành thu hồi 16 dự án không có khả năng tài chính triển khai, vi phạm luật đất đai với tổng diện tích đất thu hồi hơn 591.000 m2.
Công trình dang dở và bị bỏ hoang tại Dự án Khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Bang của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đã bị thu hồi vào cuối năm 2016. |
Trong năm 2019, cử tri lại tiếp tục phản ánh nhiều trường hợp thuê đất nhưng chậm triển khai dự án, hoặc triển khai dang dở, khi được UBND tỉnh nhắc nhở thì xin gia hạn thời gian thuê đất cũng như xây thêm một số hạng mục nhỏ.
Với sự bức xúc này của nhân dân, tổ đại biểu huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới đã xin chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường về thực trạng các dự án chậm, kế hoạch xử lý các nhà đầu tư năng lực yếu.
Ông Trần Phong - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho hay: Bên cạnh các đơn vị đã sử dụng đất đảm bảo tiến độ, sau khi được giao đất thực địa đã đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, phù hợp với dự án được phê duyệt; thì vẫn còn một số trường hợp sau khi đã được giao đất thực địa, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã không sử dụng đất, tiến độ sử dụng đất chậm, hoặc đầu tư dở dang, sử dụng đất không có hiệu quả. Cụ thể, Dự án khu nghỉ mát và giải trí Phong Nha do Công ty TNHH Phát triển văn minh đô thị thực hiện. Với tổng diện tích đất thuê (từ những năm 2003-2004) lên tới hơn 50ha tại huyện Bố Trạch, tới giữa 2019, chủ đầu tư mới xây dựng dang dở 1 đơn nguyên 2 tầng tại khu vực 4,8ha, 100m hàng rào. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND tỉnh xem xét thu hồi. Đáng chú ý, Thường trực Tỉnh uỷ đã yêu cầu xây dựng khách sạn trên khu đất 4,8 ha và hoàn thành sử dụng quý III/2018; hoàn thành toàn bộ dự án quý IV/2019.
Dự án Khu du lịch Indochina Quảng Bình Resort (trên diện tích khoảng 71.370m2 tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới), được UBND tỉnh cho thuê đất từ tháng 11/2010, nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đông Dương Miền Trung hiện mới xây dựng kè chắn đất, biệt thự mẫu 2 tầng với diện tích 400m2 và đang lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Về trường hợp này, cơ quan chức năng địa phương cho phép tiếp tục đầu tư dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng không làm thay đổi mục tiêu dự án.
Hay như trường hợp dự án xây dựng khu khách sạn sinh thái (xã Quang Phú, TP Đồng Hới) của Công ty Cổ phần Delta. Công ty được thuê đất (lần lượt vào các năm 2008 và 2011) với tổng diện tích gần 47.500m2, mới đây nhà đầu tư đã xây dựng một phần hàng rào. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy, tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng, sau 10 năm thực hiện vẫn chưa có một hạng mục, hay phân khu chức năng nào được xây cất…
Về nguyên nhân xảy ra các dự án chậm, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho rằng: Nhà đầu tư năng lực tài chính không đảm bảo, ý thức chưa cao; gặp rủi ro trong quá trình kinh doanh hay vì vướng giải phóng mặt bằng nên tiến độ thi công thực tế bị chậm. Phần lớn, các nhà đầu tư đều xin UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian thuê đất.
Sau phần trình bày này của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nêu quan điểm: Vấn đề các dự án đầu tư chậm tiến độ luôn được đề cập trong kỳ họp HĐND, cũng như kỳ họp Thường vụ rằng tỉnh ta không kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án làm đang còn dở dang, cầm chừng, có những dự án kéo dài gần cả 10 năm rồi. Nhiều ý kiến nhận định rằng, trong nhiệm kỳ sắp tới, mấy dự án này cũng không làm xong. Vậy giải pháp đặt ra để xử lý là như thế nào? Có giải pháp nào để đôn đốc nhà đầu tư được không, nếu không làm ngay thì có thu hồi được đất, mà theo quy định của pháp luật và theo Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ là đối với những dự án chậm tiến độ chúng ta phải thu hồi ngay? Liệu tỉnh ta có quá nhẹ tay với những nhà đầu tư này?
“Do đó, tôi đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ. UBND tỉnh phải có cuộc làm việc với các chủ đầu tư để xem cam kết như thế nào và nói thẳng là sẽ xử lý. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rút kinh nghiệm khâu thẩm định năng lực tài chính của các công ty khi xin đầu tư vào tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.
Nhất Linh
Theo