Thứ sáu 03/01/2025 01:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững

16:45 | 13/08/2018

(Xây dựng) - “Tích hợp công nghệ 4.0 vào ngành công nghiệp là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Với những cải tiến vượt trội dựa trên nền tảng công nghệ số và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình, phương thức sản xuất, sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam, bao gồm cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải” đó là phát biểu của Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang tại Hội thảo về Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững, tại Hội Nội ngày 08/8.


Toàn cảnh Hội thảo.

Mục tiêu 95 - 100% dân cư được sử dụng nước sạch vào năm 2030

Hội thảo được tổ chức nhằm mang đến cái nhìn tổng quan về thực trạng và định hướng phát triển ngành Nước Việt Nam hiện nay và chia sẻ các kinh nghiệm của hệ thống quản lý nước thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và quản lý doanh nghiệp, đồng thời đề cập đến những phương thức quản lý nước ứng dụng công nghệ thông minh, từ đó đề ra các giải pháp mới, hiệu quả và bền vững, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành Nước nói riêng và quốc gia nói chung.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương cho biết: Việt Nam hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm, 85,5% dân cư đô thị được cấp nước thông qua hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ thất thoát nước sạch hiện nay là 22,5%.

Về thoát nước, Việt Nam có 41 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư xây dựng với tổng công suất khoảng 910 m3/ngày đêm. Hiện có khoảng 12% lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý.

Bên cạnh đó, khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình thiết kế, thi công, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải lên khoảng 3 triệu m3/ngày đêm và tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt khoảng 20%.

Mục tiêu phát triển bền vững ngành Nước Việt Nam: Đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 90 - 95%, điều kiện cung cấp nước sạch được cải thiện, từng bước bảo đảm cấp nước an toàn, nâng cao nhận thức cộng đồng và sử dụng nước tiết kiệm; đến năm 2030, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 95 - 100%.

Trong lĩnh vực xử lý rác thải, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt 15 - 20%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đạt dưới 18% đối với đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với đô thị loại V; đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt 50% đối với đô thị loại II trở lên và 25% đối với đô thị loại V, IV, III; 100% nước thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15% đối với các đô thị.

Chú trọng quản lý nước thông minh

Hiện nay, ngành Nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập như: Gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành chưa tốt, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, lũ lụt, ngập mặn… Trước những thách thức đó, ngành Nước Việt Nam đã và đang tập trung ưu tiên cho việc đổi mới chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật.

Nhấn mạnh đến vai trò của quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững, bà Mai Thị Liên Hương cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước, quản lý rủi ro, quản lý tài sản, quản lý ghi thu hóa đơn tiền nước và quản lý khách hàng; lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện với môi trường; nghiên cứu sản xuất vật tư thiết bị ngành Nước trong nước đạt chất lượng cao, đảm bảo đến năm 2025 có khả năng cung cấp đầy đủ các chủng loại vật tư, thiết bị ngành Nước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ cấp thoát nước, việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp ngành Nước Việt Nam.

Hiện nay, HueWACO là một trong những đơn vị tiên phong trong trong áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành, với việc lắp đặt hệ thống SCADA tự động hóa một số trạm tăng áp.

Từ năm 2013, Cty đã tự động hóa 9 nhà máy, châm hóa chất tự động, giám sát chất lượng nước online, áp dụng hệ thống GIS phân vùng tách mạng, tính toán các kế hoạch hoạt động của các máy bơm và các kế hoạch sản xuất dựa trên dự báo khí tượng, kết nối dữ liệu của khách hàng để kiểm soát thất thoát, cảnh báo sớm sự cố, tăng chất lượng chăm sóc khách hàng.

Cũng như Cty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), Cty BWACO cũng tích cực áp dụng khoa học công nghệ, thông tin trong quản lý và vận hành hoạt động, đặc biệt là phương pháp ghi thu tại chỗ bằng điện thoại di động. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là tiết kiệm nhân lực, thu hồi tiền nhanh, không gây phiền hà cho khách hàng, ít khi phải điều chỉnh hóa đơn do sai sót, tính chân thực cao.

Với phương pháp này, khách hàng có thể đăng ký ủy nhiệm thu tiền nước tại các ngân hàng có liên kết, trường hợp khách hàng không trả tiền ngay khi ghi thu có thể tới thanh toán tại chuỗi các cửa hàng tiện ích hoặc thanh toán qua ví Momo, Bankplus. Khi khách hàng nộp tiền, chương trình sẽ gạch nợ online tới phần mềm quản lý khách hàng của BWACO.

Như vậy có thể nói, việc áp dụng thành công các giải pháp thông minh và thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load