Thứ tư 15/01/2025 12:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Giám đốc Cty BAGIACO Lê Thị Bình

Phúc lộc lớn nhất là gia đình hạnh phúc

11:46 | 20/10/2010

Tôi vẫn nhớ cảm giác thật gần gũi tại gian phòng khách hôm đó khi chị Lê Thị Bình chia sẻ với tôi chuyện nghề, chuyện đời thật cởi mở, chân thành. Không có một bà Giám đốc nổi danh của thương hiệu Phong tê thấp Bà Giằng mà chỉ có cuộc trò chuyện giữa tôi và một người phụ nữ đời thường mãn nguyện với những hạnh phúc…


Giám đốc Lê Thị Bình

Người nhận lộc trời

Từ những năm 50 thế kỷ trước, phương thuốc gia truyền phong tê thấp cụ lang Giằng đã được nhiều người biết đến. Trước khi mất, cụ đã truyền nghề lại cho con gái là lương y Phạm Thị Giang. Là thế hệ thứ 3, cô bé Bình ngay từ nhỏ đã được mẹ chỉ bảo cách làm thuốc. Như một lẽ tự nhiên tình yêu với nghề thuốc gia đình cứ lớn dần theo năm tháng.

Tốt nghiệp trường Đại học Dược năm 1989, chị quyết định ở lại Hà Nội đi làm cho các Cty dược phẩm trong và ngoài nước lấy kinh nghiệm để thực hiện giấc mơ vẫn ấp ủ là xây dựng thương hiệu cho bài thuốc gia truyền. “Ngày đầu khởi nghiệp trong tay tôi chỉ có duy nhất bài thuốc chữa phong tê thấp và vốn liếng hơn 10 năm làm thuê để bắt đầu gây dựng thương hiệu tại thị trường Hà Nội”, chị bồi hồi nhớ lại.

Phương thuốc đã có tiếng bấy lâu nhưng cách làm của bà và mẹ chị mới chỉ dừng lại ở sản xuất thủ công, mua bán nhỏ lẻ tại nhà nên muốn bày bán rộng rãi thì bài thuốc phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế. Chị tìm đến các Viện nghiên cứu, trường Đại học Dược, các nhà khoa học, giáo sư đầu ngành Dược phối hợp nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cho bài thuốc. Hàng trăm lần thử nghiệm, thí nghiệm thất bại đến mức Viện kiểm nghiệm thuốc TW đã lên tiếng từ chối hợp tác tiếp tục cũng không khiến chị nản lòng. 3 năm đó cũng là quãng thời gian chị lặn lội đến các vùng rừng núi tìm kiếm nguồn dược liệu ổn định, chất lượng, lấy mẫu làm thí nghiệm. Một mình xông pha đôi lúc chị không khỏi mệt mỏi, yếu lòng nhưng cứ nghĩ đến tâm nguyện của mẹ là được nhìn thấy sự phát triển của bài thuốc là chị như có thêm được nguồn sức mạnh vượt qua mọi khó khăn để bước tới. Trời không phụ lòng người, năm 2002, chị vui mừng khôn xiết khi bài thuốc gia truyền đã nhận được giấy chứng nhận của Bộ Y tế và cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Nhưng chị biết khó khăn trước mắt vẫn đang chất cao như núi bởi tất cả mới chỉ bắt đầu. Bài thuốc đang chập chững đi tìm thị trường và chinh phục khách hàng.


Trong phòng thí nghiệm

Chị cho ra đời tên gọi mới của bài thuốc - Phong tê thấp Bà Giằng lạ mà quen nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, người bệnh đau xương khớp. Tiếp đó, chị bắt đầu bước sang chiến lược tiếp thị, tiếp cận người tiêu dùng. Chị kể: mình cũng ròng rã đi tiếp thị tại các chợ, nhà thuốc, phân phát sản phẩm dùng thử. Trong các dịp thi đại học, mình cùng anh em nhân viên phân công nhau đến từng địa điểm thi phát tờ rơi giới thiệu sản phẩm. Mình không nề hà bất cứ công việc gì cả, mục tiêu duy nhất là làm sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là người bệnh.

Đầu xuôi đuôi lọt, tiếng lành đồn xa, sản phẩm Phong tê thấp Bà Giằng đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ lớn của người tiêu dùng. Tiền làm ra được bao nhiêu chị đầu tư hết vào máy móc, thiết bị và công nghệ. Chị cười bảo: 6 năm đầu mình chỉ chi ra chứ nào có thu vào được đồng nào đâu. Khó khăn là vậy nhưng đó sẽ là bước đệm để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng lực sản xuất. Năm 2008, nhà máy sản xuất thuốc với diện tích hơn 5.000m2 cùng trang thiết bị hiện đại ngoại nhập đã đi vào hoạt động tại xứ Thanh. Doanh thu năm 2009 của Cty đạt hơn 60 tỷ đồng. Tháng 9/2010, Cty BAGIACO khởi công xây dựng giai đoạn 1 nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn quốc tế) tại Ninh Hiệp, Hà Nội dự tính vận hành sản xuất vào dịp tết âm lịch 2011. Chị Bình chia sẻ: Đây là dự án nhà máy có ý nghĩa hết sức quan trọng với Cty để thực hiện mục tiêu xuất khẩu thuốc Bà Giằng ra nước ngoài. Tổng chi phí ban đầu cho dự án là hơn 40 tỷ đồng. Giai đoạn 1 hoàn thành, chúng tôi sẽ chính thức tiến thẳng sang thị trường Lào, Campuchia sau hơn 1 năm xuất qua con đường tiểu ngạch.

 50% nguyên liệu sản xuất phải nhập từ Trung Quốc với giá đắt gấp 2, 3 lần nhưng chị luôn cặn dặn anh em thực hiện đúng nguyên tắc kinh doanh: Không cho phép nhập hàng kém chất lượng. Những đợt khan hàng khách yêu cầu gấp, nhưng có những vị thuốc phải nấu 7 ngày 7 đêm chị vẫn nhất quyết không cho rút ngắn bớt công đoạn. Chị chia sẻ: Thuốc dùng để cứu người phải làm cẩn thận từ khâu nguyên liệu đầu vào, sơ chế đến sản xuất. Thuốc đông y có tốt, có hay là chính bởi phương pháp bào chế và liều lượng. Tôi luôn tâm niệm một điều là làm nghề phải có tâm, có đức và tư duy đúng đắn.


Đi tìm dược liệu sản xuất

“Trước khi là một doanh nhân, thì tôi đã là một người thầy thuốc cứu bệnh cho người. Tôi thấy mình là người quá may mắn nên phải biết cho đi và chia sẻ khó khăn cùng với mọi người”. Trong nhiều năm qua, hàng nghìn người nghèo, gia đình chính sách, trẻ mồ côi… khó khăn tại nhiều địa phương như Hà Đông, Phú Xuyên (Hà Nội), Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… đã được chị tận tình chữa bệnh miễn phí, tặng quà, tặng thuốc. Bởi vậy, nhân viên không chỉ nể phục chị trong tài kinh doanh, chuyên môn nghiên cứu sản xuất mà cả ở sự quan tâm, tấm lòng nhân ái chị dành cho mọi người. Chính điều đó đã tạo cho BAGIACO sự ấm áp thân thiện, mọi người đều coi như một gia đình, và chị chính là người chủ gia đình trong lối xưng hô thân thiết “cô - cháu” trìu mến.

Người phụ nữ của gia đình

Dù đã trở thành người nổi tiếng, người tạo ra thương hiệu Phong tê thấp Bà Giằng, một doanh nhân thành đạt, chị vẫn luôn tìm cách né tránh các cuộc liên hoan, vui chơi buổi tối để dành trọn vẹn cho mái ấm nhỏ bé của mình. Chiếc máy khâu là người bạn song hành thân thiết mấy chục năm qua của chị. Khi rảnh chị vừa xem ti vi, vừa tranh thủ may cái quần, đơm chiếc khuy cho chồng con hay may vài cái gối nhỏ. Chị đang “phấn đấu” may cho anh… 10 cái quần đùi vì anh bảo chỉ thích mỗi loại vợ làm.  Lúc học cùng con, mấy mẹ con xoay sang làm toán. Chị bảo: Mình hạnh phúc khi được chăm lo cho chồng con như thế chứ không phải làm kinh doanh hay kiếm được nhiều tiền đâu. Chồng chị công tác bên ngành công an cũng bận rộn nên việc nhà một tay chị quán xuyến, chu tất để anh yên tâm công tác. 18 năm lấy chồng mà chưa một lần anh chị to tiếng. Mẹ chị chính là tấm gương để chị học cách ứng xử với chồng và nuôi dạy con cái. Chị cười: Kính chồng đắc thọ là bí quyết mẹ truyền lại cho con gái để giữ gìn gia đình. Dù mình có là người đứng mũi chịu sào về kinh tế thì cũng phải tôn trọng chồng và hết lòng vì chồng con.

Chị dạy con tính tiết kiệm từ nhỏ và văn hóa tiêu tiền. Chị chia sẻ: hai đứa là của để dành sẽ tiếp quản sự nghiệp sau này của mẹ. Mình không dạy con cách sống trên tiền mà là cách kiếm và sử dụng tiền hợp lý. Từ bé, ngoài việc học hai đứa đều phải tham gia phụ việc nhà như giặt quần áo, quét nhà, rửa bát, quét dọn phòng... Chị thẳng thắn: mình có thể đưa cho người ngoài 100 triệu nhưng với các con mình rất tiết kiệm để bọn trẻ biết yêu lao động, quý trọng tiền bạc. Hai con chị đều ngoan ngoãn, học giỏi và đều yêu thích nghề thuốc gia truyền. Cậu cả Minh Hoàng đỗ học bổng du học ngành Dược bên Anh, tương lai trở về làm quản lý điều hành. Cô út Bảo Châu mới học lớp 7 nhưng đã có tố chất giống mẹ thích nghiên cứu. Chị mừng lắm và chỉ mong chúng kết thúc việc học thật nhanh để chị bàn giao lại, yên tâm lui về hậu trường chuyên tâm với chuyên môn làm thuốc của mình. Phút chia tay, chị chia sẻ: mình không tham lam mà luôn biết điểm dừng. Đến bây giờ, thương hiệu BAGIACO đã đạt được đỉnh cao, mơ ước của bà và mẹ cũng có thể coi là đã đạt được. Mình đã muốn dừng lại rồi nhưng vì thế hệ con cháu mình buộc phải đi tiếp. Sau này, chúng trưởng thành sẽ tiếp quản sự nghiệp. Mình đặt niềm tin và hi vọng các con sẽ đưa thương hiệu thuốc gia truyền vươn xa mạnh mẽ ra thế giới.

Thanh Phong

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load