(Xây dựng) – Ngày 21/11, ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV. Hội đồng thẩm định nhất trí chấm Đề án đạt 83,07 điểm.
Cục trưởng Cục phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị. |
Đông Hòa là một huyện thuộc đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên, với chiều dài bờ biển gần 50km. Huyện được thành lập theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP ngày 16/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ huyện Tuy Hòa.
Đến nay, huyện Đông Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ.
Trong hoàn cảnh này, việc công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa là đô thị loại IV có ý nghĩa quan trọng để nâng cao vị thế của khu vực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế đầy tiềm năng của tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Đông Hoà nói riêng.
Bản đồ định hướng phát triển không gian của đô thị Đông Hòa. |
Về cơ bản, khu vực dự kiến thị xã Đông Hòa được thành lập dựa trên chủ trương kết hợp hai đô thị cùng một số xã lân cận, từ một số điểm nhỏ thành một điểm lớn, phát triển tập trung từ quy hoạch vùng tỉnh Phú Yên được phê duyệt năm 2011.
Chủ trương này tiếp tục được củng cố trong các văn bản quan trọng khác như Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Tỉnh ủy số 08/NQ-TU ngày 26/04/2016 về lãnh đạo, xây dựng phát triển huyện Đông Hòa lên thị xã trước năm 2020 và Quy hoạch chung thị xã Đông Hòa (dự kiến) đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa có vị trí địa lý hết sức thuận lợi với hệ thống giao thông kết nối đường bộ qua quốc lộ 1 với thành phố Tuy Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; qua Quốc lộ 29, Quốc lộ 25 với vùng Tây Nguyên với ga đường sắt, cảng hàng không.
Ngoài ra, đô thị Đông Hòa gắn liền với khu kinh tế Nam Phú Yên là trung tâm động lực cửa ngõ phía Nam tỉnh, cùng với thành phố Tuy Hòa tạo ra các đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương cũng là trung tâm công nghiệp trọng điểm của tỉnh gắn liền với cảng nước sâu Vũng Rô, cảng Bãi Gốc.
Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã Đông Hòa dự kiến tiếp nhận sự đầu tư về kỹ thuật, tài chính để phát triển trị trường, phát huy vị thế chiến lược về kinh tế - quốc phòng, an ninh và tiềm năng vốn có của khu vực.
Tính đến năm 2018, diện tích tự nhiên của Đông Hòa là 26.561,9ha, bao gồm 9.810,9ha đất nội thị. Dân số toàn huyện đạt 119.991 người. Diện tích sàn nhà ở trong khu vực dự kiến thành lập thị xã khoảng 2,7 triệu m2, trong đó có 1,4 triệu m2 sàn nhà ở khu vực nội thị. Số lượng lao động trong khu vực là 74.019 người, bao gồm 33.032 lao động phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong nội thị đạt 76,9%.
Trong những năm qua, kinh tế của Đông Hòa đều chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp – thủy sản. Năm 2018, GDP toàn khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa đạt khoảng 10.813,7 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.
Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ giúp thu nhập bình quân đầu người ở Đông Hoa tăng lên mức 56,71 triệu đồng/người, cao hơn 1,06 lần so với thu nhập bình quân cả nước trong năm 2018 là 53,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực cũng giảm xuống 2,62%.
Căn cứ theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị, UBND tỉnh Phú Yên đã chấm Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa đạt 83,76 điểm.
Tuy nhiên, Đông Hòa vẫn còn 9 tiêu chí chưa đạt, bao gồm tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị (m2/người), tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, mật độ đường giao thông (tính đến đường có chiều rộng phần xe chạy lớn hơn, hoặc bằng 7,5m – km/km2), tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng, cơ sở y tế cấp đô thị (giường/1.000 dân), công trình thể dục thể thao cấp đô thị, diện tích sàn nhà ở bình quân cho khu vực nội thị (m2 sàn/người) và mật độ dân số đô thị (người/km2).
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung của Đề án, đề nghị Bộ Xây dựng công nhận thị xã Đông Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tuy nhiên, Đông Hòa cũng phải khắc phục một số tồn tại, hạn chế để hướng đến mục tiêu thành lập thị xã.
Trước hết, Cục Phát triển Đô thị kiến nghị Đông Hòa phát huy các thế mạnh tiềm năng để thu hút đầu tư; phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, cơ sở dịch vụ, du lịch để hình thành các động lực phát triển đô thị, tăng ngân sách, tạo việc làm, thu hút lao động; lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, lưu ý địa phương cần xây dựng các giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề hạ tầng kỹ thuật – xã hội như công trình y tế, thể dục thể thao, giao thông đô thị, các khu xử lý rác thải, nước thải... để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV. |
Cục Hạ tầng kỹ thuật và Vụ Chính quyền địa phương cùng đề nghị, UBND tỉnh Phú Yên và huyện Đông Hòa tăng cường hát triển nguồn nhân lực quản lý đô thị, đặc biệt là cán bộ công chức các xã chuẩn bị lên phường; rà soát việc sắp xếp các đơn vị hành chính khi Đông Hòa lên thị xã.
Mặt khác, Vụ Chính quyền địa phương nhận định, hai khu vực nội thị, ngoại thị của Đông Hòa chưa được đầu tư phá triển đồng bộ, đề nghị địa phương quan tâm nâng cao trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của khu vực, hoàn thành các hạng mục công trình chưa hoàn chỉnh, xây dựng những công trình lớn như trung tâm thương mại, quảng trường...
Bộ Tài chính nhận xét huyện chưa tự cân đối được thu chi ngân sách. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu địa phương có kế hoạch cụ thể nhằm bổ sung số lượng công trình văn hóa, thể dục thể thao còn hạn chế trong khu vực; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng đề nghị, Đông Hòa nghiêm túc cân nhắc lại tính khả thi của một số chỉ tiêu như diện tích nhà ở, cây xanh... được dự kiến sẽ tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến chia sẻ về những khó khăn và biện pháp giải quyết của đô thị Đông Hòa. |
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến lần lượt giải thích tình hình xử lý các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là 4 tiêu chí về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, số lượng giường bệnh cấp đô thị, khu xử lý rác thải, nước thải đô thị và tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng. Đại diện UBDN tỉnh Phú Yên cam kết, địa phương sẽ nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt sớm nhất có thể.
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn đã tổng kết các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng cho biết, Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Đông Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Phú Yên đã đảm bảo cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục và tài liệu phụ lục kèm theo.
Cục trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, trong 9 tiêu chí chưa đạt, địa phương cần nhanh chóng khắc phục các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật – xã hội rất quan trọng với chất lượng cuộc sống của người dân đô thị như mật độ giao thông, xử lý nước thải, cấp nước sạch, công trình y tế, thể thao, giáo dục...
Bàn về vấn đề nguồn lực cho giai đoạn tiếp theo, Cục trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý địa phương về mối quan hệ hành chính của đô thị Đông Hòa và khu kinh tế Nam Phú Yên có nhiều diện tích trùng nhau.
Đô thị sẽ phát triển kinh tế biển làm động lực, nhưng lựa chọn hình thức nào để phát triển, du lịch, hay đánh bắt thủy, hải sản? Chính vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên và thị xã Đông Hòa cần xây dựng quy hoạch bài bản, xác định khu vực nào phát triển du lịch, khu vực nào phát triển đánh bắt thủy hải sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Đông Hòa cũng phải có những đánh giá, phân tích những nội lực của địa phương, đặc biệt là nội lực về đất đai. Dựa trên ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Phú Yên và huyện Đông Hòa sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ xây dựng phê duyệt.
Hữu Mạnh
Theo