Thứ sáu 22/11/2024 14:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Phú Yên: Khám phá ngôi đình cổ Phú Nông

10:04 | 15/10/2023

(Xây dựng) - Đình Phú Nông xây dựng từ năm 1871, ngôi đình cổ có kiến trúc độc đáo, ghi dấu ấn quá trình mở đất lập làng và tín ngưỡng về các vị thần miền sông nước ở địa phương.

Phú Yên: Khám phá ngôi đình cổ Phú Nông
Đình Phú Nông tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa.

Trong quá trình tạo dựng làng xóm, cộng đồng cư dân xây dựng đình làng để thờ Thành hoàng và tiền hiền, hậu hiền - những người có công xây dựng làng trong buổi đầu mở đất lập làng.

Đình Phú Nông xây dựng từ năm 1871, tọa lạc tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Vào cuối thế kỷ XIX, thôn Phú Nông có tên gọi là Phú Nông Tân Hội thôn, bao gồm thôn Phú Nông và Phước Nông ngày nay. Năm 1926, chính quyền thực dân tách ra làm 2 thôn Phú Nông và Phước Nông.

Phú Yên: Khám phá ngôi đình cổ Phú Nông
Đình Phú Nông xây dựng từ năm 1871.

Làng Phú Nông nằm ven sông Ba, người dân ở đây trồng trọt trên soi bãi, đánh cá trên sông, nên việc tín ngưỡng, thờ các vị thần liên quan sông nước như: Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương, Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ chiếm vị trí quan trọng. Những vị thần trên đều được triều Nguyễn sắc phong, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự. Hiện đình Phú Nông còn lưu giữ 6 sắc phong bằng giấy long đằng được ban tặng vào các triều vua Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

Lúc mới lập làng, đình Phú Nông chỉ là ngôi nhà tranh vách đất, có hệ thống các hàng cột gỗ lớn và chắc chắn. Trước năm 1945, đình xây dựng ở vị trí gò chợ giữa làng, đến năm 1970 chuyển về địa điểm ngày nay. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình có kiến trúc theo kiểu nhà cấp 4 ở nông thôn, chiều dài 8m, rộng 7m được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống.

Phú Yên: Khám phá ngôi đình cổ Phú Nông
Trước cửa chánh điện có khắc dòng chữ Hán “Đình Phú Nông” và nhiều câu đối Hán Nôm.

Nét nổi bật của ngôi đình là trước cửa chánh điện có khắc dòng chữ Hán “Đình Phú Nông” và nhiều câu đối Hán Nôm, trên mái ngói có đắp đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nhật làm gia tăng nét cổ kính của ngôi đình. Trước sân đình có 2 trụ biểu đắp đôi nghê bằng xi măng và bức bình phong có đắp nổi hình kỳ lân ở mặt ngoài.

Trong gian chánh điện của đình Phú Nông có 3 ban thờ chính: Ban giữa thờ thần Thành hoàng và các vị thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Thủy Long Thánh Nữ Nương Nương, Thủy Tinh Điện Bích Công Chủ; hai bên thờ tả ban, hữu ban là những vị tiền - hậu hiền của làng.

Tiền hiền của thôn Phú Nông gồm 3 họ Nguyễn, Lương và Cao. Các vị tiền hiền khai khẩn đất hoang thành đất ruộng và đất soi bãi dọc bờ sông. Ngay cạnh bờ sông, ngôi miếu nhỏ thờ thần Thiên Y A Na được cư dân tạo lập gọi là miếu Sông Thờ.

Phú Yên: Khám phá ngôi đình cổ Phú Nông
Ngôi đình rất được người dân địa phương trong vùng tín ngưỡng.

Sự hình thành và tồn tại của đình Phú Nông không chỉ minh chứng về bề dày lịch sử - văn hóa của làng Phú Nông qua hơn 150 năm, mà còn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc duy trì tín ngưỡng, phong tục của làng Phú Nông Tân Hội thôn xưa và làng Phú Nông ngày nay.

Bà Cao Thị Trang hiện sinh sống tại thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa – là người chăm sóc quét dọn ngôi đình Phú Nông nhiều năm qua chia sẻ: Ngôi đình này rất được người dân địa phương trong vùng tín ngưỡng, hàng tháng vào ngày 12 và ngày 16 âm lịch, người dân mang hoa, trái cây đến cúng để cầu an, cầu sức khỏe, cầu làm ăn thuận lợi.

Hàng năm, Ban Quản lý đình Phú Nông cùng người dân địa phương thực hiện nghi lễ cúng tế 2 lần vào mùa xuân và thu gọi là xuân kỳ, thu tế. Mùa xuân cúng vào tháng 2, mùa thu cúng vào tháng 8 (âm lịch). Lễ cúng cầu an trong tháng 2 vào ngày 14 có nghi thức rước sắc thần từ lẫm về đình kèm theo nhã nhạc, cờ trống diễu hành. Đây là dịp cộng đồng cư dân cầu mong mọi nhà, mọi người trong thôn mạnh khỏe, an vui, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, mùa màng, soi bãi tốt tươi. Ngày lễ cầu an cũng là dịp bà con trong thôn gặp gỡ trao đổi công việc làm ăn, kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất và gia tăng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bình Định: Công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn

    (Xây dựng) – 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cặp sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

  • Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử quốc gia

    (Xây dựng) - Nhân chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử quốc gia và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, văn nghệ đa dạng.

  • Hà Tĩnh: Đẩy nhanh tu bổ, tôn tạo di tích khu mộ, tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Hương Sơn chỉ đạo, động viên các nhà thầu tranh thủ tối đa các thời điểm thời tiết thuận lợi; tăng cường nhân lực, “vượt nắng thắng mưa”, hoàn thành các hạng mục dự án trước ngày 20/12/2024. Đơn vị tư vấn cần tăng cường giám sát để công trình thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

  • Cà Mau: Khởi công xây dựng Di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, tại xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Di tích chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Đây là 1 trong 7 công trình được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

  • Trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh về Di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai mạc trưng bày “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh”.

  • Khơi dậy sức sống cho di sản

    Số lượng di tích đồ sộ, di sản phi vật thể phong phú đang được coi là nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa, cho kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều địa phương từng bước tích cực khai thác nguồn lực này, dù rằng, hiệu quả có trong thực tế có thể chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa hẳn được như kỳ vọng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load