Thứ sáu 22/11/2024 02:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn

18:29 | 15/11/2023

(Xây dựng) - Di tích Tháp Nhạn là di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố Tuy Hòa vùng đất Phú Yên nói riêng, cũng như nghệ thuật tiêu biểu của nền văn hóa miền Trung nói chung. Di tích này cũng là biểu tượng của nền văn hóa Chămpa ở Phú Yên.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn.

Kiến trúc và điêu khắc Tháp Nhạn

Là một công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Chămpa, tháp tọa lạc trên đỉnh núi Nhạn, một ngọn núi có độ cao 60m, thuộc phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn quay mặt về hướng Đông, kiến trúc có 3 phần gồm đế tháp, thân tháp và mái tháp.

Đế tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh có độ dài 12m, cao 2,4m, kiến trúc phần đế có nhiều gờ giật và hơi choãi ra tạo cho ngôi tháp một thế vững chắc. Thân tháp hình trụ vuông, mỗi cạnh dài 9m, cao 10m. Trên mỗi cạnh của thân tháp có trang trí 5 trụ ốp tường, giữa các trụ ốp có đường gờ tạo thành rãnh ăn sâu vào thân tháp. Phía dưới và trên các trụ ốp tạo hình loe rộng làm cho các trụ ốp tường có thế rất vững chắc. Các trụ ốp tường để trơn không chạm chỗ hoa văn. Phía trên thân tháp nơi tiếp giáp với phần mái được xây thành gờ loe rộng tạo nên các đường băng chạy 4 phía để giảm bớt đi sự đơn điệu của phần tiếp giáp giữa các khối vuông.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Cửa vào di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn.

Cửa tháp nằm ở phía Đông, cửa tháp là một bộ phận kiến trúc kéo về phía trước tạo nên một hành lang hẹp và dài để dẫn vào lòng tháp và thường có kiến trúc rất đẹp. Phần kiến trúc này của Tháp Nhạn đã bị sụp đỗ, vết tích nền móng còn lại cho thấy phần kiến trúc này kéo dài ra phía trước 3m, Cửa tháp hiện nay cao 2,4m; phía trên xây giật cấp tạo thành vòm cuốn. Ở mặt tường các phía còn lại có các cửa giả, những cửa này đã bị hư hại nhưng cửa giả là những vị trí được chạm trỗ công phu, có giá trị nghệ thuật cao.

Mái tháp có 3 tầng, mỗi tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên mỗi tầng của mái tháp đều có trang trí cửa giả ở cả bốn mặt. Các cửa giả trên mỗi tầng mái cũng được trang trí rất cầu kỳ, nhưng đến nay phần lớn đã mất. Tầng mái cuối cùng của Tháp Nhạn thu nhỏ dần và kết thúc trên đỉnh tháp là một trụ đá hình chóp nhọn 4 mặt, cao 1,4m, phía dưới chân của chóp đá này có trang trí 8 cánh sen. Trên 4 góc của các tầng mái đều có hình chóp nhiều tầng, đó chính là hình thu nhỏ của ngôi tháp.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Di tích Tháp Nhạn đã được trùng tu, tôn tạo.

Toàn cảnh Tháp Nhạn, từ năm 1997 đến 1999, di tích Tháp Nhạn đã được trùng tu, tôn tạo, hiện nay mặt tường phía ngoài tháp là phần mới tu bổ, tôn tạo được xây thụt vào so với mặt tường cũ 5cm. Lòng Tháp Nhạn có bình bồ hình vuông, diện tích 4,6m x 4,6m, tường phía trong xây theo kỹ thuật xây giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng.

Trong lòng tháp hiện có một đài thờ cao 2,5m gồm có một bệ thờ hình khối vuông thắt vào ở giữa có chạm núm vú hình tròn ở cả 4 mặt và cánh sen 3 lớp; một yony có chiều dài cạnh 1,1m, dày 0,28m và một hình lá nhĩ cao 1,2m có chạm hình Mukhalinga. Phía trên đài thờ đặt tượng thời Thiên Y A Na, tượng cao 60cm, vai rộng 20cm, thể hiện ở tư thế ngồi xếp bằng.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Tháp Nhạn có dáng vẻ uy nghi như đang vươn tới trời xanh.

Chi tiết kiến trúc trên thân tháp Tháp Nhạn được các nhà nghiên cứu xếp vào phong cách kiến trúc chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định, với niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Đặc trưng cơ bản của phong cách kiến trúc này là các bộ phận kiến trúc thiên về hình khối, trên thân tháp có các trụ ốp tường không trang trí hoa văn, các cửa giả thường có hình chóp nhọn. Với những đặc điểm kiến trúc đó, cộng thêm vị trí xây tháp thường nằm trên những ngọn núi cao, do vậy các ngôi tháp thuộc phong cách này thường có dáng vẻ uy nghi như đang vươn tới trời xanh.

Đài tưởng niệm núi Nhạn

Công trình Đài tưởng niệm núi Nhạn nằm trên núi Nhạn thuộc phường 1, thành phố Tuy Hòa. Đây là công trình nhằm tôn vinh những người con sinh ra trên vùng đất Phú Yên và nhiều người con sinh ra ở các vùng quê khác trên mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Phú Yên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Đài tưởng niệm trên núi Nhạn.

Đài tưởng niệm trên núi Nhạn được tỉnh Phú Khánh đầu tư xây dựng từ năm 1983. Theo thiết kế của nhóm tác giả do kiến trúc sư Tô Định đứng đầu, công trình gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên là tháp đài cao 30m, tựa lưng vào tháp là cụm tượng gồm người mẹ Phú Yên anh hùng cầm bó đuốc, bên phải mẹ là anh bộ đội cầm súng xông lên, bên trái là bé trai cầm sách đến trường. Hướng chính của công trình là Tây Nam, nhìn về cánh đồng lúa Tuy Hòa bao la, xa xa là núi rừng trùng điệp, cái nôi của phong trào cách mạng Phú Yên qua hai cuộc kháng chiến giữ nước. Từ trên nhìn xuống là ngôi sao năm cánh, hình khối toàn bộ công trình như cánh chim nhạn tung bay về hướng Tây.

Trong quá trình xây dựng thì xảy ra sự cố, xuất hiện các vết nứt ở hai cánh sảnh chính của công trình. Đến năm 1986, công trình này ngừng thi công hẳn. Mãi đến năm 2003, theo nguyện vọng của nhân dân, nhất là các bậc lão thành cách mạng, công trình Đài tưởng niệm được nghiên cứu cải tạo xây dựng lại.

Phú Yên: Khám phá kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Đài tưởng niệm núi Nhạn
Từ trên nhìn xuống là ngôi sao năm cánh, hình khối toàn bộ công trình như cánh chim nhạn tung bay về hướng Tây.

Công trình Đài tưởng niệm núi Nhạn được xây dựng trên một khu đất có diện tích 3.300m2, trong đó nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ có diện tích 500m2. Nhà bia mang hình tượng đàn chim nhạn bay về hướng biển, trong nhà bia có 38 trụ bia ghi tên 13.085 liệt sỹ của tỉnh Phú Yên và 4 trụ bia ghi tên 1.000 liệt sỹ ở một tỉnh trong cả nước. Đài tưởng niệm cùng Tháp Nhạn, công viên Diên Hồng, Nhà văn hóa Diên Hồng, chùa Kim Cang, chùa Kim Long, chùa Ông và Bảo tàng Phú Yên hình thành cụm công trình văn hóa nơi cửa ngõ vào thành phố Tuy Hòa.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bình Định: Công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn

    (Xây dựng) – 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cặp sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

  • Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử Quốc gia

    (Xây dựng) - Nhân chào mừng kỷ niệm 19 năm ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, văn nghệ đa dạng.

  • Hà Tĩnh: Đẩy nhanh tu bổ, tôn tạo di tích khu mộ, tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Hương Sơn chỉ đạo, động viên các nhà thầu tranh thủ tối đa các thời điểm thời tiết thuận lợi; tăng cường nhân lực, “vượt nắng thắng mưa”, hoàn thành các hạng mục dự án trước ngày 20/12/2024. Đơn vị tư vấn cần tăng cường giám sát để công trình thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

  • Cà Mau: Khởi công xây dựng Di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, tại xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Di tích chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Đây là 1 trong 7 công trình được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

  • Trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh về Di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai mạc trưng bày “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh”.

  • Khơi dậy sức sống cho di sản

    Số lượng di tích đồ sộ, di sản phi vật thể phong phú đang được coi là nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa, cho kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều địa phương từng bước tích cực khai thác nguồn lực này, dù rằng, hiệu quả có trong thực tế có thể chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa hẳn được như kỳ vọng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load