(Xây dựng) - Ngày 19/4 (tức mùng 8/4 âm lịch) tại sân Trung tâm Lễ hội - Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Hùng, Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy được khai mạc.
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy quy tụ hàng trăm nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị trong tỉnh. |
Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy quy tụ hàng trăm nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị trong tỉnh và đông đảo nhân dân tham dự, cổ vũ cho các đội. Đội đạt giải nhất nội dung thi gói, nấu bánh chưng và giải nhất nội dung giã bánh giầy sẽ được chọn làm vật phẩm dâng cúng Vua Hùng trong ngày 10/3 âm lịch.
Đội đạt giải nhất nội dung thi gói, nấu bánh chưng và giải nhất nội dung giã bánh giầy sẽ được chọn làm vật phẩm dâng cúng Vua Hùng trong ngày 10/3 Âm lịch. |
Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy là một trong những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hội thi không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân thể hiện khả năng, giao lưu học hỏi kinh nghiệm mà quan trọng chính là góp phần gìn giữ bản sắc và các giá trị văn hóa tiêu biểu của các vùng quê nông nghiệp, nông thôn; góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đây cũng là sản phẩm đặc trưng, có ý nghĩa của du lịch Phú Thọ để du khách mua làm quà tặng người thân và gia đình khi hành hương về vùng đất Tổ cội nguồn.
Tương truyền, Vua Hùng Vương thứ 6 mở hội thi kén người tài để chọn người kế vị. Hoàng tử út tên là Lang Liêu, nhờ làm được hai loại bánh từ sản vật nông nghiệp tượng trưng cho trời và đất, lại rất thơm ngon nên đã được truyền ngôi. Vua Hùng đặt tên cho loại bánh vuông tượng trưng cho đất là bánh chưng, loại bánh tròn tượng trưng cho trời là bánh giầy. Từ đó, dân tộc Việt Nam có phong tục gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy dâng cúng ông bà, tổ tiên. Đây là hai vật phẩm không thể thiếu trong những ngày Lễ cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dịp giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Phùng Hằng
Theo