Tình trạng thừa phân khúc cấp cao, thiếu nhà giá rẻ kết hợp với đầu cơ, thổi giá đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) như “cục máu đông” khi cung không gặp cầu, làm tắc nghẽn hoạt động của nhiều ngành nghề, lĩnh vực có liên quan như tín dụng, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, hàng tiêu dùng...
Tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác), mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp đầu tư và tổ chức tín dụng để kéo giá BĐS xuống mức phù hợp, tạo thanh khoản cho thị trường.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quang Thái |
Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, 70% trong số khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay là vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang chờ địa phương xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất; điều chỉnh cục bộ quy hoạch; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng đất khác không phải đất ở, dự án cải tạo chung cư cũ; dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng thiếu thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư... Còn một số doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cũng kiến nghị đơn giản hóa, rút gọn thủ tục đầu tư cho dự án nhà ở xã hội; xác định tiền sử dụng đất, thuê đất và số tiền được miễn giảm; mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội; điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại); quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước hỗ trợ... Chính vì thế, giải pháp đầu tiên tháo gỡ thị trường đặt ra không phải là giải pháp tín dụng, mà là giải pháp về pháp lý.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đề ra, Thành phố Hà Nội đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS. Thành phố hiện có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc đã đưa ra hướng giải quyết: Đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành. Tương tự, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giải quyết 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản Thành phố tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án...
Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đối với lĩnh vực BĐS sẽ cơ bản được xử lý khi các luật mới - Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - có hiệu lực.
Ở một góc độ khác, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: “Nếu cứ mãi đẩy giá lên, đầu cơ thì sẽ không tiêu thụ được sản phẩm. Mà khi không bán được hàng thì sẽ không luân chuyển được dòng vốn và không thu hồi được nợ”. Bên cạnh đó, việc tạo ra nguồn cung mới, nhất là phân khúc giá rẻ, cũng là một giải pháp rất quan trọng để tạo nguồn “máu” mới cho thị trường BĐS. Trong đó, sự kỳ vọng được đặt vào Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, cùng gói tín dụng thương mại với lãi suất ưu đãi 120.000 tỷ đồng dành cho các nhà đầu tư và người thuê, mua nhà ở xã hội.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái |
Lấy lại niềm tin cho thị trường
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân. Thời gian qua, thị trường BĐS chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước, thế giới, nhất là sau đại dịch Covid-19, cũng như những kẽ hở, sự yếu kém trong quản lý thị trường vốn, đất đai, BĐS.
Vấn đề đặt ra là phải lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, nhanh nhạy đối với công tác quản lý lĩnh vực BĐS, đất đai, tín dụng, vốn... nhằm tạo ra thị trường lành mạnh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng “bong bóng” BĐS. “Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình...”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng: “Cần cùng nhau có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh, nhằm đưa thị trường BĐS trở lại hoạt động bình thường”.
Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể. Cần xác định rõ bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, thời gian hoàn thành. Đối với các địa phương, phải tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác của địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hòa lợi ích với Nhà nước, người dân nhằm góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Theo Phương Nguyên/hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/phoi-hop-chia-se-de-tao-thanh-khoan-cho-thi-truong-bat-dong-san-661076.html