(Xây Dựng) - Sáng 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đến dự lễ khai giảng với học sinh trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự lễ khai giảng tại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: thainguyen.gov.vn) |
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Với việc thường xuyên nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Theo đó, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư đồng bộ với 88,14% trường đạt chuẩn quốc gia, 90,3% phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố. Các chỉ tiêu phát triển về quy mô số lượng và chất lượng giáo dục ở các cấp học đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn của đơn vị phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng so với năm học trước, Thái Nguyên xếp thứ 15 toàn quốc về số lượng giải.
Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được bố trí, sắp xếp hợp lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 89,47%... Đặc biệt, mạng lưới trường lớp các cấp học được củng cố, phát triển đều khắp trên địa bàn, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập trong tỉnh; ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
Cùng dự lễ khai giảng với thầy, cô và trò trường Vùng cao Việt Bắc còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; các lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: thainguyen.gov.vn) |
Bước sang năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 694 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm giáo dục học nghề - giáo dục thường xuyên với trên 10.900 nhóm lớp, trên 351 nghìn học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát lại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa và một số điều kiện khác; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11; tiến hành biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8, lớp 11; đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học.
Cùng với đó, tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường học, củng cố mạng lưới trường lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học…đáp ứng điều kiện tối thiểu đảm bảo theo lộ trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024, đã thực hiện cấp phép hoạt động giáo dục cho 03 trường THPT, trong đó có 02 trường công lập được hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động là Trường THPT Đội Cấn, huyện Đại Từ và Trường THPT Tức Tranh, huyện Phú Lương.
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Có thể nói, toàn ngành GD&ĐT đã sẵn sàng cho một năm học mới với quyết tâm mới, khí thế mới và hy vọng sẽ giành được nhiều thắng lợi mới.
Cùng dự lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 với các thầy cô giáo và các em học sinh tại một số trường trên địa bàn 09 huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã động viên, chia sẻ niềm vui trước thềm năm học mới với thầy và trò các nhà trường. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đều có nhận thức đúng, hành động thiết thực, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Thái Nguyên phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần truyền thống quê hương cách mạng.
Đối với các nhà trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ, chính sách đối học sinh; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm xây trường học thân thiện, học sinh tích cực. Với các em học sinh, tự trau dồi cho mình phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành những công dân có đạo đức, có tri thức, bản lĩnh, khát vọng, góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.
Việt Hoan - Đình Lộc
Theo