(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Thúc đẩy phát triển công trình xanh là một trong các nhóm nhiệm vụ về xây dựng (Ảnh minh họa: Internet). |
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động chung và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Trong đó chủ đề về xây dựng được xác định rõ giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 sẽ thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái. Chủ đề bao gồm 4 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 13 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Đó là, quy hoạch và phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững, phát thải thấp, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, đa thiên tai dựa trên nền tảng công nghệ số.
Xây dựng quy hoạch, nghiên cứu ứng dụng công nghệ và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hạ tầng xanh, hạ tầng thông minh, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, đa thiên tai, ít có khả năng triệt tiêu hoặc cản trở các lựa chọn giải pháp giảm nhẹ (giảm phát thải) khác trong tương lai.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, đa thiên tai. Công trình phát thải các bon thấp, công trình PTR0.
Đồng thời, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế trong sản xuất vật liệu xây dựng theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu phát thải khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai thực hiện, tập trung xác định hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.
Hà Khánh
Theo