Thứ sáu 03/01/2025 07:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển thị trường vốn trong kỷ nguyên mới tại Việt Nam

10:19 | 01/04/2021

(Xây dựng) – Vừa qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới”.

phat trien thi truong von trong ky nguyen moi tai viet nam
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Lệ Thủy - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới là diễn đàn tạo nên sự kết nối giữa cơ quan xây dựng chính sách với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và nhận diện bức tranh thị trường vốn trong kỷ nguyên mới”.

Trong đó, bà Thủy cho biết, thị trường vốn Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Trên thị trường tín dụng, thách thức hiện hữu là các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19. Trên thị trường chứng khoán, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán tạo nên thách thức hiện hữu cho các mục tiêu lớn và dài hạn như thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam.

Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông Nhà nước.

Theo ông Tiến, đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Để phát triển thị trường vốn trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tập trung các giải pháp nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.

Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.

Đề xuất về giải pháp phát triển thị trường vốn trong tương lai, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan, chú trọng phát triển trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn gắn với niêm yết; nâng cao năng lực giám sát rủi ro hệ thống, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load