Thứ ba 05/11/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phát triển nhà ở khu vực nông thôn: Các hộ nghèo sẽ có nhà ở an toàn

11:40 | 24/11/2022

(Xây dựng) - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho nhân dân, đặc biệt các hộ nghèo khu vực nông thôn. Nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn thích ứng, an toàn với thiên tai; góp phần nâng cao đời sống và hướng tới giảm nghèo bền vững.

Phát triển nhà ở khu vực nông thôn: Các hộ nghèo sẽ có nhà ở an toàn
Chính sách phát triển nhà ở hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thông đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ảnh minh họa: Internet).

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ngay trong Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (khoản 3 Điều 59). Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu “tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm”, tức là giảm nghèo về nhà ở cũng phải có mức giảm tương ứng.

Những năm qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở hướng tới các đối tượng người có công với cách mạng hay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho người dân tại các vùng, miền thường xuyên chịu thiên tai.

Trong Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có: “Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” và có các hình thức thực hiện hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 quy định rằng phát triển nhà ở phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường; đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững. Đối với các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất...), hỗ trợ theo hướng cho vay ưu đãi để xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng căn nhà, tăng khả năng chống chịu của nhà ở.

Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 12/2020, trên cả nước đã có 58/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được 117.427/236.324 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đạt tỷ lệ khoảng 50% so với số lượng hộ phải hỗ trợ thực tế.

Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, trong giai đoạn 2021-2025, hiện có 02 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn là: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 02 Chương trình mục tiêu này chưa bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn nhiều hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được bao phủ hết.

Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương cũng như tại các cuộc họp Quốc hội, Bộ đã nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021- 2025 (45 địa phương và 6 Đoàn đại biểu Quốc hội).

Với yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo khu vực nông thôn. Đồng thời, nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Chính sách phù hợp với thực tế

Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã xác định rõ quan điểm của chính sách phải đảm bảo tính khả thi, thống nhất, phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế của đất nước.

Đồng thời, đảm bảo tính xã hội hóa trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo bằng nhiều nguồn lực trong xã hội theo phương châm: Người dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ. Từ đó phát huy tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng cải thiện nhà ở của chính các hộ nghèo.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chính sách sẽ hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo theo nguyên tắc phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện. Đồng thời, huy động từ nhiều nguồn vốn kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn ở các cấp, các ngành...

Trao đổi về đối tượng được hỗ trợ, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Đối tượng áp dụng là những hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP) trong danh sách do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú tại khu vực nông thôn.

Đối tượng ưu tiên hàng đầu là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên trong hộ là đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật...); hộ nghèo đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và các hộ nghèo còn lại.

Theo Bộ Xây dựng, nhà ở xây mới hoặc sửa chữa hỗ trợ người nghèo cũng sẽ có các tiêu chí và yêu cầu đảm bảo về chất lượng xây dựng công trình, cụ thể: Nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2); đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.

Phát triển nhà ở khu vực nông thôn: Các hộ nghèo sẽ có nhà ở an toàn
Chính sách phát triển nhà ở hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn sẽ đảm bảo triển khai đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đúng nội dung hỗ trợ (Ảnh minh họa: Internet).

Thời gian tới đây, chính sách nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn sẽ được Chính phủ tiếp tục triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp hơn với thực tiễn và thể chế hóa kịp thời tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Theo số liệu thống kê của 58 tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo (theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) thì kết quả phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên, như sau: Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 10.218 hộ. Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số là 49.916 hộ.

Hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai là 981 hộ. Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn là 7.605 hộ. Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn là 5.358 hộ...

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load