Thứ hai 24/02/2025 12:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển kinh tế nền tảng: Xu hướng mới thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ

09:09 | 24/02/2025

Kinh tế nền tảng phát triển dựa trên công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, từ đó nâng cao hiệu quả, đồng thời giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Kinh tế nền tảng đang trở thành xu hướng mới, lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam khi doanh nghiệp tận dụng sự tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Phát triển kinh tế nền tảng: Xu hướng mới thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ
Ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất thiết bị điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Trở thành xu thế, nhu cầu không thể thiếu

Hơn một thập niên qua, hoạt động kinh tế nền tảng phát triển mạnh mẽ, thâm nhập sâu rộng vào nhiều ngành nghề, nhất là lĩnh vực vận tải, thương mại... Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cao hơn mục tiêu 48.000 doanh nghiệp được Chính phủ đề ra.

Sự tăng trưởng nhanh của doanh nghiệp công nghệ số đã tạo cơ sở, điều kiện cho việc mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng ở Việt Nam. Đơn cử, Grab Việt Nam đã đóng góp 0,23% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của khu vực Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội) và 0,17% của vùng Đông Nam Bộ, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Sau Grab, hiện các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tài chính... Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này đã thúc đẩy mức tăng trưởng thương mại, chứng minh hiệu quả nhờ việc giảm thời gian, chi phí, cũng như tạo ra việc làm mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn, việc xây dựng hệ sinh thái nền tảng và dịch vụ số ở nhiều ngành, lĩnh vực đang trở thành xu thế, nhu cầu không thể thiếu. Mặt khác, xu thế này cũng thúc đẩy sự hình thành doanh nghiệp chuyên phát triển các nền tảng số hay doanh nghiệp công nghệ số, lĩnh vực công nghiệp số, thúc đẩy kinh tế số.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) các năm từ 2020 đến 2023 lần lượt là 12,66%, 12,88%, 12,63% và 12,33%. Nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%. Năm 2022, ngành kinh doanh nền tảng đóng góp 40,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Trong đó, riêng lĩnh vực vận tải đóng góp 6,8 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP, chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành.

Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 và 2023). Trong đó, số lượng người dùng trên các nền tảng số ở Việt Nam năm 2023 tăng trưởng tới 46% so với năm 2022. Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) Nguyễn Minh Thảo nhận định, 2 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tăng gấp 3 đến 4 lần tốc độ phát triển GDP. Đây là động lực để Việt Nam có tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các vùng kinh tế trong đóng góp vào giá trị tăng thêm của ngành kinh tế nền tảng. Vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có mức đóng góp lớn nhất. Như vậy, có thể thấy, nước ta còn nhiều dư địa để phát triển ngành kinh tế nền tảng và ngành dịch vụ nền tảng trong tương lai.

Hướng tới tăng tốc mạnh mẽ

Các chuyên gia đánh giá, dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, là thị trường lớn để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng như kinh tế nền tảng nói riêng. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với ưu thế về công nghệ, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Các chuyên gia cũng nhận định, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng đóng vai trò lớn trong tạo nguồn thu, việc làm, tạo động lực cho các ngành sản xuất và hoạt động phân phối tăng trưởng nhanh; từ đó nâng cao mức đóng góp, sức cạnh tranh của thị trường nội địa. Đây sẽ là động lực mới để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng nhanh hơn và hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Để thúc đẩy kinh tế nền tảng, CIEM đề xuất, Chính phủ cần có quan điểm nhất quán và rõ ràng về phát triển mô hình kinh tế nền tảng; sớm ban hành chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo chính sách cần hiểu rõ tính chất mới của mô hình kinh doanh nền tảng để có tư duy mới trong quản lý, tránh khiên cưỡng áp quy định cũ, cách thức quản lý cũ đối với các mô hình mới. Đi đôi với đó là phải dự liệu những tác động không mong muốn, những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế nền tảng để dự phòng phương án quản lý; cần đưa ra các cảnh báo và những lưu ý đối với người dùng nhằm tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên nền tảng số.

Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh tế nền tảng và kinh tế số, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.

Theo Hồng Sơn/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
  • Vĩnh Phúc: Tập trung hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp

    (Xây dựng) – Cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, nhiều cụm công nghiệp tại Vĩnh Phúc chưa được đầu tư tương xứng với vị trí, vai trò, quy mô được phê duyệt, còn nhiều tồn tại bất cập dẫn đến hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất không cao.

  • Điều chỉnh quy hoạch điện VIII phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững

    Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được lãnh đạo Chính phủ xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách để nhanh chóng tìm ra các giải pháp cung cấp đủ điện trong giai đoạn phát triển tăng tốc của đất nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load