Thứ hai 07/10/2024 17:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phát triển khí sinh học thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh

18:57 | 19/11/2022

(Xây dựng) - Phát triển khí sinh học là giải pháp cho các vấn đề môi trường trong bối cảnh nguồn nhiên liệu đang ngày một cạn kiệt và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ.

Phát triển khí sinh học thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh
Phát triển khí sinh học thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh (Ảnh minh họa: TTXVN).

Khí sinh học mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường

Khí sinh học (KSH) đã được biết đến ở Việt Nam từ những năm 1960, trải qua hơn 60 năm phát triển, KSH ngày càng được phát triển rộng rãi từ quy mô sản xuất nhỏ sang quy mô sản xuất lớn, từ lĩnh vực chăn nuôi sang lĩnh vực công nghiệp, từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc quy mô nông hộ, KSH phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở rất nhiều vùng nông thôn.

Đối với Việt Nam, những năm gần đây, khí sinh học (biogas) là nguồn cung cấp năng lượng chính nhằm giải quyết chất đốt sinh hoạt cho vùng nông thôn, thay thế các loại nhiên liệu khác như củi, trấu, than... ngoài ra còn được sử dụng cho các mục đích khác như: phát điện, lò sấy, đèn thắp sáng, hệ thống nước nóng, các tủ lạnh chạy bằng gas…

Hệ thống KSH phát điện còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường như chất thải được quản lý tốt đã giảm thiểu nhiều tác động xấu về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Vì thế, khi áp dụng các biện pháp sử dụng triệt để nguồn KSH sinh ra sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm thứ cấp, tăng hiệu quả đầu tư cho người chăn nuôi; giảm phát thải khí nhà kính: do quản lý tốt nguồn phân chuồng ở hệ thống KSH, do lượng KSH sinh ra ở những công trình KSH phát điện thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch vẫn đang sử dụng để phát điện như nhiệt điện than, dầu…

Theo một số chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng sử dụng khí sinh học nhưng vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ và gặp nhiều rào cản công nghệ để phát triển nguồn khí sinh học ở quy mô vừa và lớn.

Giải pháp phát triển khí sinh học ứng phó biến đổi khí hậu

Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức” mới đây, ông Nathan Moore - Giám đốc dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) cho biết: “Bằng việc phát triển khí sinh học để phát điện, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí mê-tan và CO2, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện. Với Hội thảo này, chúng tôi hy vọng có thể đóng góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng khí sinh học ở Việt Nam và giới thiệu các cơ chế hỗ trợ thích hợp. Như vậy, Hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP 26 và giúp quốc gia phát triển tương lai năng lượng xanh bền vững”.

Theo ý kiến của ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.

Về xu hướng phát triển chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nhận định, chăn nuôi tuần hoàn là một quá trình sản xuất mà ở đó chất thải, phụ phẩm được xử lý bằng các cách khác nhau thành những nguyên liệu đầu vào cho một quá trình sản xuất khác tạo ra sản phẩm hữu ích, theo vòng tuần hoàn kín hoặc bán tuần hoàn để gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chi phí xử lý chất thải chăn nuôi phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, để đạt được cam kết giảm phát thải khí mê-tan, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích phát triển khí sinh học, và cần sự đầu tư đáng kể từ cả Nhà nước và khối tư nhân vào các nhà máy khí sinh học để xử lý chất thải hữu cơ từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và rác thải của các đô thị.

Cùng với đó, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi, phải nhanh chóng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; Khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi; Nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load