Thứ sáu 26/04/2024 03:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển hệ thống cảng biển trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa

11:17 | 28/01/2022

(Xây dựng) – Quy hoạch cảng biển trong thời gian tới xác định phải đi trước một bước, có tính dự báo dài hơi. Đặc biệt, trọng tâm phát triển mô hình cảng cạn và quy hoạch cảng biển có nhiều cánh tay nối dài ra tất cả các tỉnh, thành phố. Từ đó sẽ hình thành những cụm cảng quy mô lớn và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư.

phat trien he thong cang bien tro thanh trung tam van chuyen hang hoa
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Cụ thể, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 05 nhóm cảng biển với 36 cảng biển. Trong đó có 02 cảng biển đặc biệt, 15 cảng biển loại I, 06 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III.

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 298 bến cảng với khoảng 90,726km dài cầu cảng, với tổng công suất trên 700 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển. Hầu hết, các cảng biển hiện do các doanh nghiệp Nhà nước và các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác. Có 04 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước và giao Cục Hàng hải Việt Nam làm đại diện cơ quan Nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: bến cảng Cái Lân (cầu 5, 6, 7), bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và bến cảng An Thới - Kiên Giang.

Các cảng biển Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển thông qua lượng hàng container lớn nhất trên thế giới. Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000DWT). Hàng hóa thông qua các cảng biển đặc biệt các cảng biển phát triển mới như Bà Rịa - Vũng Tàu được các tạp chí hàng hải quốc tế đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong những năm gần đây. Điều này cho thấy dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế.

Trong năm 2021, tuy dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp một phần nào đó đã ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 ước đạt 703,04 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; hàng xuất khẩu đạt 184,5 triệu tấn, tăng 4% với năm 2020; hàng nội địa đạt 302,9 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2020. Trong đó, khối lượng hàng container ước đạt 23,9 triệu TEUs, tăng 6% so với năm 2020.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Trong đó có nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong ngành như: Tân cảng Sài Gòn, Gemadept, Transimex, Sotrans, Indotrans, TBS Logistics, Bắc Kỳ Logistics, U& I Logistics, Vinafco… Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong 10 quốc gia đứng đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết: Trải qua hơn 20 năm quy hoạch, kêu gọi đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thì đến nay Việt Nam đã có hệ thống các cảng biển rộng khắp cả nước. Từ hệ thống cảng biển đã hình thành mạng lưới các tuyến vận tải nội địa khắp cả nước kết nối với đường thủy, đường bộ tạo nên thị trường vận tải sông biển nội địa. Từ những điều kiện đấy đã thúc đẩy sự chuyển dịch tốc độ tăng trưởng hàng hóa của ngành Vận tải đường biển lên mức hai con số, so với tăng trưởng hàng hóa chung của tất cả các lĩnh vực cho thấy đã có sự chuyển dịch rất đáng kể lượng hàng từ đường bộ xuống đường biển. Bằng vận tải đường biển có thể di chuyển số lượng hàng hóa lớn, quãng đường dài, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông rất phù hợp với chủ trương của Đảng là phải cơ cấu lại thị phần vận tải của các phương thức vận tải. Từ đó, góp phần làm giảm chi phí logistic, đảm bảo môi trường, giảm tai nạn giao thông, giảm áp lực cho việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ, trong khi đó chúng ta đang có sẵn hệ thống giao thông đường thủy, cảng biển.

phat trien he thong cang bien tro thanh trung tam van chuyen hang hoa
Quy hoạch cảng biển trong thời gian tới xác định phải đi trước một bước, có tính dự báo dài hơi.

Hệ thống cảng biển ngày càng được nâng cao chất lượng dịch vụ, ngay cả khi tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhưng hàng hóa vẫn lưu thông không bị tắc nghẽn. Hiện nay, so với giá trung bình trong khu vực thì Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia. Việt Nam đang có những điều kiện cần và đủ để phát triển hệ thống cảng biển, khả năng thông quan hiện nay trên 700 triệu tấn/năm, đáp ứng được trên 90%. Bên cạnh đó, năng lực đáp ứng vẫn còn dư thừa trong khoảng 2 - 3 năm tới với tốc độ tăng trưởng như hiện tại... Ngay từ năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất phương án xây dựng phát triển mô hình cảng cạn, sắp tới trong quy hoạch sẽ mở rộng để cảng biển có nhiều cánh tay nối dài ra tất cả các tỉnh, thành phố đi sâu vào trong đất liền. Từ đó, phát triển đường thủy nội địa để phát triển hệ thống giao thông đường thủy.

Huy Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load