Thứ bảy 11/05/2024 09:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai

16:18 | 28/11/2022

(Xây dựng) - Trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Trong đó, hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu, quan trọng để kết nối, tạo lập và duy trì dòng chảy dữ liệu của nền kinh tế số, xã hội số cho đô thị tương lai.

Phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai
Phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài hạn nên cần nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, công nghệ và vận hành (Ảnh minh họa).

Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định: “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định quan điểm chỉ đạo “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị”. Trong đó, yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt 100%. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Theo các chuyên gia, phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng điện toán và lưu trữ, hạ tầng công nghệ và nền tảng số, hạ tầng nhân lực, hạ tầng thể chế, hạ tầng dữ liệu và an toàn thông tin. Động lực giúp Việt Nam chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh bền vững đó chính là tiềm năng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đón đầu lợi ích của nền kinh tế tri thức và làn sóng công nghệ 4.0; Phát huy tối đa lợi thế về cơ cấu dân số vàng, vị trí địa lý, tài nguyên để tạo động lực phát triển; Các vấn đề tồn tại của quá trình đô thị hóa cao như ô nhiễm môi trường, hạ tầng lạc hậu và quá tải, mất an ninh trật tự…; Thực tiễn phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ 4.0 tại Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ; Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong khối ASEAN…

Tuy nhiên, phát triển đô thị thông minh trong đó có hạ tầng số tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Ông Nguyễn Công Thị - Phó Trưởng ban Chuyển đổi số khối GOV, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết: Một số thách thức trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đó chính là công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị còn hạn chế, đang ở mức độ khá sơ khai (dữ liệu phân tán, cập nhật thủ công gây tốn kém và tốn nguồn lực); dữ liệu chưa thống nhất và thiếu độ tin cậy.

Bên cạnh đó, phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài hạn nên cần nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, công nghệ và vận hành. Thách thức với chính quyền đô thị cần giữ vai trò điều phối các nguồn lực hiệu quả nhằm khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn lực đầu tư từ nhà nước. Phát triển đô thị thông minh để hướng đến mục tiêu giảm thủ tục thực hiện cũng như mở ra nhiều phương thức hoạt động của xã hội, phát triển trên nền tảng công nghệ phù hợp với thực tiễn.

Để phát triển hạ tầng số cho đô thị tương lai, đại diện VNPT đề xuất, cần xem xét cơ chế chính sách chia sẻ, sử dụng các hạ tầng như điện, chiếu sáng để phát triển hạ tầng kết nối (4G/5G/IoT) cho các trạm siêu nhỏ đảm bảo vùng phủ sóng cho các công nghệ kết nối khác nhau; tiêu chuẩn nền tảng kết nối M2M/IoT chung cho các ứng dụng tiện ích công như điện, nước, bãi đỗ xe, giám sát không khí môi trường; chuẩn hóa, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn để kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; các quy định cụ thể về việc bắt buộc chia sẻ và mở dữ liệu…

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể để từng bước ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 và hình thành nền tảng dữ liệu, kho dữ liệu, ứng dụng bài toán xử lý dữ liệu lớn…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load