Thứ sáu 26/04/2024 22:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển hạ tầng giao thông quyết định sức bật từ các đại đô thị

21:32 | 24/09/2020

(Xây dựng) - “Hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị. Trong đó có cả bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông cho phát triển đại đô thị chưa tương xứng” – TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư nêu ý kiến tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” tổ chức ngày 24/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

phat trien ha tang giao thong quyet dinh suc bat tu cac dai do thi
Các diễn giả tham gia thảo luận mở.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư nhận xét, với sự hình thành các khu đô thị quy mô lớn, kiểu mẫu như khu đô thị Phú Mỹ Hưng hơn 400ha tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Ciputra hơn 300ha tại Hà Nội… đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Việc phát triển các khu đô thị lớn được quy hoạch bài bản, đồng bộ do những nhà đầu tư có năng lực tài chính quản lý sẽ làm cho bộ mặt đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh lân cận sẽ thay đổi”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.

“Để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới một cách thuận lợi và hiệu quả vẫn cần sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước trong một số vấn đề. Cần chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội tại các thành phố lớn, theo đó định hướng các trục phát triển chính của thành phố theo bước hình thành các khu đô thị vệ tinh phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực”, bà Nguyễn Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land nêu ý kiến.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị. Trong đó có cả bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông cho phát triển đại đô thị chưa tương xứng.

Chia sẻ về giải pháp quản lý và phát triển đại đô thị tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan. Nhất là sửa đổi Luật Đất đai, hướng dẫn Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán sửa đổi. Nghiên cứu cơ chế, hình thức đánh thuế tài sản là bất động sản thứ hai trở đi…

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện trong một số vấn đề như chiến lược, xây dựng các khu đô thị mới phải song hành với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông; song song với đó cần có chính sách ưu đãi kêu gọi các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển đô thị mới nhanh chóng và hiệu quả trong tương lai.

Nói về giải pháp tích hợp quy hoạch phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh với quy hoạch sử dụng đất, TS. Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phải quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, bắt đầu từ việc hình thành các trung tâm thương mại sử dụng đất thương mại, dịch vụ; tiếp theo là khu vực văn phòng, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đất sản xuất, kinh doanh trong đô thị; đất nhà ở tập thể, chung cư và cuối cùng là đất nhà ở đơn lập theo mô hình hướng tâm, nhiều lớp hình thành vùng đô thị trung tâm, với vùng đô thị vệ tinh và các hạt nhân là khu vực kinh doanh, thương mại nằm ở lõi trung tâm đô thị.

Theo ông Huỳnh Thái Ngọc - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gần 100.000ha. Theo Nghị quyết 80, đến năm 2020 Chính phủ cho phép chuyển đổi 27.000ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong 27.000ha có 3.000ha phục vụ cho các khu đô thị để các nhà đầu tư xin lập dự án. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp vào loại đô thị dạng đặc biệt và có riêng Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ chế này ưu đãi cho các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hơn ở các nơi khác. Khi chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thành phố Hồ Chí Minh chứ không cần trình ra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng phê duyệt.

Đại diện Công ty Bất động sản Đại Phát góp ý, vấn đề về giao thông là cực kỳ quan trọng. Ví dụ như Landmark 81, mật độ xây dựng quá lớn nhưng lại không có giải pháp giao thông. Buổi chiều các cung đường đi qua nơi này đều không đi được do ách tắc giao thông. “Tôi nghĩ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải buộc phải ngồi lại với nhau, không thể cho xây dựng các dự án như thế rồi không có đường đi. Cần phải có một giải pháp để giảm thiếu tình trạng này. Theo tôi khi làm chúng ta phải làm đồng bộ. Ngoài những con đường vành đai 3, vành đai 4 cũng cần những con đường kết nối thuận tiện, một khu đô thị không chỉ có một con đường đi vào độc đạo”, đại diện Công ty Đại Phát nói.

phat trien ha tang giao thong quyet dinh suc bat tu cac dai do thi
Hội thảo thu hút đông đảo người tham dự.

Kiến nghị trước đại diện Bộ Giao thông vận tải, đại diện Công ty Đại Phát nói thêm: “Hiện nay, giao thông Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm bất hợp lý. Sự bất hợp lý là do phần mềm điều tiết, chỉ cần thay đổi một số bảng hiệu, bảng số phân luồng thì tôi nghĩ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Muốn đại đô thị phát triển, muốn thành phố phát triển thì giao thông phải thuận lợi.”

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư hy vọng các thông tin tại hội thảo sẽ góp phần tạo nên tiếng nói, để thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách quy hoạch và triển khai các cơ chế chính sách quy hoạch, nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị một cách bền vững.

Phương Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load