Thứ bảy 26/10/2024 07:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Phát triển đô thị Việt Nam: Thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới

09:05 | 29/01/2022

(Xây dựng) - Khu vực đô thị luôn giữ vai trò là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, sản xuất, giao thương, hợp tác đối ngoại, quốc phòng an ninh của các vùng miền, là động lực phát triển. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, đô thị đang đứng trước những thách thức và cơ hội phát triển mới…

phat trien do thi viet nam thach thuc va co hoi trong boi canh moi

Đô thị ngày càng được quan tâm, phát triển

Đô thị hóa và phát triển đô thị (PTĐT) đang ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết, Kết luận chuyên đề về công tác PTĐT đối với một số địa phương có vai trò là trung tâm đô thị lớn của cả nước, vùng kinh tế - xã hội của quốc gia như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột và tỉnh Huế.

Văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh lĩnh vực PTĐT trong phương hướng thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định mục tiêu đô thị hóa 45%, đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về PTĐT.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 - 2021, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Chính trị Đề án về “Đô thị hóa, PTĐT và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghiên cứu cụ thể hóa chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là cơ sở chính trị quan trọng để các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương căn cứ, xây dựng và ban hành các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách chỉ đạo thống nhất việc triển khai thực hiện công tác quản lý PTĐT trên toàn quốc.

Đô thị đối diện với nhiều thách thức và cơ hội

Năm 2021 là một năm đối diện với nhiều khó khăn của đất nước. Tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến cho hầu hết các địa phương trên cả nước. Đô thị là khu vực chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của tình hình dịch bệnh. Tại các đô thị lớn đã xảy ra tình trạng di dân ồ ạt từ các đô thị về nông thôn... Tác động của dịch bệnh cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế và đặt ra thách thức mới trong PTĐT của Việt Nam.

Mặc dù trải qua khó khăn, thách thức khi dịch bệnh bùng phát, song vai trò của các đô thị càng được khẳng định rõ nét hơn. Hệ thống đô thị vẫn có sự tăng trưởng, dù chưa đạt được như kỳ vọng. Theo đó, hệ thống đô thị năm 2021 tiếp tục tăng lên 869 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,5 %, tăng 0,5% so với năm 2020.

Các đô thị đã thể hiện vai trò dẫn đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiên phong, triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành khi thực hiện giãn cách. Các đô thị vẫn đang tiếp tục phát huy vai trò là các trung tâm, dẫn dắt, thúc đẩy khôi phục phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với bối cảnh mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống đô thị Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp lâu dài để giải quyết. Về tổng thể, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam chưa cao, hiện mới chỉ đứng thứ 7 trong ASEAN, trong đó, số lượng đô thị nhỏ chiếm tỷ lệ lớn.

Sự gắn kết giữa các đô thị trong mạng lưới còn yếu, chưa hình thành sự phân định và điều phối chức năng và vai trò giữa các đô thị trong hệ thống đô thị. Năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (y tế, giáo dục, môi trường...) còn có những hạn chế, nhất là tại các đô thị loại III, IV.

Phần lớn các đô thị đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hình thành tự phát không được quy hoạch hoặc có quy hoạch đô thị nhưng không được đầu tư, quản lý theo quy hoạch, dẫn đến ở nhiều nơi hiện nay hạ tầng khu vực đô thị hiện hữu bị quá tải; lộn xộn về không gian đô thị, thiếu bản sắc kiến trúc; có nguy cơ cao mất an toàn chập cháy nổ, ngập lụt, sự cố nhiễm độc… Theo đánh giá của WB, hơn 25% dân số đô thị Việt Nam đang sống trong các khu vực đô thị dưới chuẩn về hạ tầng, so với 22% ở Indonesia, 55 % ở Campuchia.

Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng hạ tầng đô thị không đáp ứng được nhu cầu cũng như có sự mất cân đối giữa hạ tầng đô thị lớn và đô thị vừa và nhỏ, giữa các khu trung tâm và vùng ven đô, giữa các khu dân cư hiện trạng và khu vực phát triển mới. Tác động của BĐKH, nước biển dâng ngày một nặng nề và khó lường…

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ để chuyển hướng chiến lược vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thúc đẩy các đô thị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đổi mới phương thức tiếp cận, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện để phù hợp với mục tiêu chung sống an toàn với dịch bệnh.

Thúc đẩy quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thông minh bền vững

Để xây dựng, phát triển hệ thống đô thị từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy hiệu quả vai trò của các đô thị và đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh tình hình mới, trong năm 2022, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý, PTĐT, trọng tâm là nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật để quản lý, PTĐT, Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và triển khai lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…, để tạo hành lang, cơ sở pháp lý thống nhất quản lý đồng bộ công tác PTĐT từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, thúc đẩy triển khai nhanh việc quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thông minh bền vững theo Đề án PTĐT thông minh bền vững Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg. Tích cực triển khai các chương trình, đề án của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác công tư đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức chung của cộng đồng.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác phân loại đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư, cải tạo, chỉnh trang đô thị, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin). Triển khai đồng bộ các đề án PTĐT ứng phó biến đổi khí hậu, PTĐT tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về PTĐT, kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa, quản lý chặt chẽ công tác quản lý đầu tư PTĐT.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả việc hợp tác, thu hút huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực PTĐT. Nghiên cứu chiến lược và các mô hình PTĐT mới phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và thực tế phát triển của đất nước…

Dự kiến, quý I/2022, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết thông qua đề án “Đô thị hóa, PTĐT và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây sẽ là cơ sở chính trị quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương căn cứ, xây dựng cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách chỉ đạo thống nhất việc triển khai thực hiện công tác quản lý PTĐT trên toàn quốc.

Minh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị

    (Xây dựng) - Công cuộc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước tại Đà Nẵng đã đem lại nhiều kết quả. Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị là xu thế tất yếu, nếu thực hiện tốt, Đà Nẵng sẽ trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào quản lý đô thị, mang lại môi trường sống hiện đại và bền vững cho người dân.

  • Nâng cấp diện mạo đô thị cho thành phố trẻ Đông Triều

    (Xây dựng) – Ngày 1/11 tới đây, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều trực thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện các công trình, dự án trọng điểm của thị xã Đông Triều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần quan trọng trong việc nâng cấp diện mạo đô thị của thành phố trẻ Đông Triều, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại.

  • Ninh Bình: Tăng cường nguồn nhân lực xây dựng Đề án đô thị thông minh bền vững

    (Xây dựng) - Ngày 24/10, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC) tổ chức triển khai khóa Bồi dưỡng phát triển đô thị thông minh bền vững thuộc Dự án "Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng", với thành phần tham gia là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các Sở, ngành, thành phố, huyện, phường, xã trực thuộc tỉnh Ninh Bình.

  • Hội nghị tổng kết Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”

    (Xây dựng) - Ngày 23/10, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng Việt Nam (Học viện AMC) và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” – Dự án VKC.

  • Để Mộc Châu trở thành đô thị du lịch xanh, thông minh vươn tầm thế giới

    (Xây dựng) - Ngày 22/10, tại Hà Nội, Hội đồng phân loại đô thị quốc gia thống nhất bỏ phiếu thông qua Đề án đề nghị công nhận đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt tiêu chí đô thị loại IV. Để đô thị Mộc Châu trở thành đô thị xứng tầm quốc gia và quốc tế như định hướng, địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý kiến trúc và quy hoạch, xây dựng những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc bản địa và tạo điểm nhấn.

  • Bắc Giang: Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh

    (Xây dựng) – Sở Xây dựng Bắc Giang vừa ban hành công văn đề nghị các Sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load