Thứ bảy 20/04/2024 02:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển đô thị thông minh gắn với đặc thù của từng địa phương

22:46 | 08/11/2020

(Xây dựng) - Nhân ngày Đô thị Việt Nam 8/11/2020, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái để tìm hiểu về sự phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

phat trien do thi thong minh gan voi dac thu cua tung dia phuong
Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị.
PV: Thưa ông, điều đầu tiên mà tôi muốn hỏi là phát triển đô thị thông minh đem lại những lợi ích gì?

Ông Trần Quốc Thái: Trước hết, chúng ta cần cùng nhau làm rõ nội hàm của đô thị thông minh, một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến và đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Phát triển đô thị thông minh ứng dụng các giải pháp công nghệ và các phương tiện, giải pháp tối ưu nhất phát triển đô thị, khai thác các lợi thế mà tiến bộ công nghệ đem lại để hỗ trợ việc ra quyết định trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị một cách thông minh và khoa học nhất… Nhờ đó, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giải quyết được các vấn đề nóng của phát triển đô thị hiện nay như giao thông, ngập lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi của đô thị…

Ở góc nhìn trực tiếp nhất, chúng ta có thể thấy nhiều lợi ích từ một đô thị thông minh. Đó là giải quyết các vấn đề đô thị, gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, coi trọng tiếng nói của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Ví dụ, nếu đầu tư giao thông thông minh chúng ta có thể cung cấp cho người lái xe giải pháp giao thông tối ưu, từ đó đô thị sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn, giảm tiêu hao nhiên liệu, làm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hay đầu tư giao thông công cộng thông minh sẽ giúp cho việc tiếp cận phương tiện công cộng trở nên dễ dàng với bất cứ ai, không phân biệt giàu nghèo, từ đó giúp giảm tải lượng xe cá nhân.

Một ví dụ khác, khi chia sẻ tốt thông tin dữ liệu trên hệ thống, ngay cả người bán rau cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh để kết nối thông tin đến người tiêu dùng một cách dễ dàng, từ đó đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho họ.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 850 đô thị, khu vực đô thị đang đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Phát triển đô thị thông minh sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.

Trong xu thế phát triển đô thị thông minh đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ giúp Việt Nam hội nhập toàn cầu, mở ra thị trường mới, những cơ hội và lợi ích mới trong công tác đầu tư, hợp tác. Vậy nên, đầu tư cho đô thị thông minh không phải là một sự xa xỉ, mà là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới.

Phát triển đô thị thông minh mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và cần sự chung tay của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội. Quan trọng là Nhà nước phải tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.

phat trien do thi thong minh gan voi dac thu cua tung dia phuong
Từ nay đến 2025, phát triển đô thị thông minh ưu tiên các nội dung: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh.

PV: Đến nay, Nhà nước đã tạo nền tảng như thế nào nhằm thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thái: Ngày 01/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950).

Đề án 950 đã xác định mục tiêu cho phát triển đô thị thông minh của Việt Nam là hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống…; hạn chế rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Phát triển đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm…

Đề án 950 xác định các mốc cơ bản như từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung những cơ sở nền tảng về mặt pháp lý và phấn đấu thực hiện thí điểm đô thị thông minh. Trước mắt phấn đấu mỗi vùng đô thị, mỗi vùng kinh tế sẽ có được một đô thị thông minh và dần dần hình thành được mạng lưới kết nối, hình thành các chuỗi đô thị thông minh trong tương lai.

Đến nay đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai triển khai đề án đô thị thông minh cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh.

PV: Việt Nam đã hình thành hành lang pháp lý phục vụ phát triển đô thị thông minh ở mức độ như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thái: Để xây dựng hành lang pháp lý phát triển đô thị thông minh, các bộ, ngành đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản quy định như tiêu chuẩn trên cơ sở tiếp thu các tiêu chuẩn của ISO về phát triển đô thị thông minh, khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh…

Các địa phương hiện đang triển khai phát triển đô thị thông minh với nhiều mô hình và giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng thể hiện sự khó khăn trong việc phát triển đô thị thông minh để đạt được sự hiệu quả do chưa có một khung pháp lý hướng dẫn thống nhất.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý nền tảng, thông qua việc lồng ghép mô hình đô thị thông minh trong hệ thống luật và nghị định về quản lý và phát triển đô thị.

Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, bổ sung các quy định về thẩm định đồ án quy hoạch và xây dựng các công cụ đánh giá đô thị thông minh; nghiên cứu và đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế nhằm khuyến khích phát triển đô thị thông minh, thu hút được các nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị thông minh và nhất là chú trọng xây dựng các quy định, định, chế tài về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đô thị thông minh…

Đây là khung pháp lý và các công cụ quản lý nhằm đảm bảo điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ thống nhất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan đầu mối, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai Đề án 950. Sự hợp tác liên thông giữa các ban, ngành ở cả cấp Trung ương và địa phương có ý nghĩa hết sức then chốt trong triển khai mục tiêu phát triển đô thị thông minh có hiệu lực, hiệu quả.

PV: Tại Việt Nam đang phát triển nhiều mô hình đô thị thông minh khác nhau. Vậy đâu là những yếu tố then chốt để bảo đảm phát triển đô thị thông minh thành công?

Ông Trần Quốc Thái: Có nhiều mô hình, giải pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, dù là bằng giải pháp nào đi chăng nữa thì cần lưu ý rằng mục tiêu của đô thị thông minh là hướng tới xây dựng một đô thị có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh…

Dựa trên nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, cân nhắc các đặc điểm, khả năng, tiềm năng của Việt Nam, Đề án 950 đã xác định mô hình phát triển đô thị thông minh cho Việt Nam giai đoạn tới cần tập trung vào 3 nội dung chủ đạo là quy hoạch thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông.

Nhiều người cho rằng, đô thị thông minh là một hình thái phát triển đô thị mới, dựa trên nền tảng công nghệ và phát triển nhờ ứng dụng công nghệ. Quan điểm đó không sai nhưng mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Bởi mỗi đô thị có thực trạng phát triển khác nhau, tùy vào đặc thù, bề dày hình thành, những vấn đề bức xúc thực tiễn, mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng thay đổi của đô thị để lựa chọn giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất trong phát triển đô thị thông minh cho đô thị đó.

phat trien do thi thong minh gan voi dac thu cua tung dia phuong
Các bộ, ngành đang khẩn trương nghiên cứu hình thành khung pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.

Đề án 950 đã nhấn mạnh rằng các địa phương cần phải xem xét một cách tổng thể, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, tồn tại, đặc điểm riêng của từng đô thị…, từ đó lựa chọn các ưu tiên tập trung trong phát triển đô thị thông minh.

Các ưu tiên này vừa có thể là đầu tư trọng điểm, giải quyết có hiệu quả ngay những vấn đề bức xúc của đô thị, tức là mục tiêu ngắn hạn, vừa phải bảo đảm cân đối hài hòa với mục tiêu phát triển dài hạn của đô thị.

Việc phát triển đô thị thông minh phụ thuộc vào chính năng lực, nguồn lực, sức tăng trưởng và nguyện vọng của cộng đồng của mỗi đô thị. Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phát triển đô thị thông minh phải dựa trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước và có lộ trình”. Bởi nếu phát triển đô thị thông minh nóng vội, theo phong trào thì nguy cơ sẽ đạt hiệu quả thấp và gây lãng phí lớn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Quý Anh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load