Thứ ba 05/11/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển

22:59 | 16/02/2023

(Xây dựng) – Phong tục đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Đặc biệt, sau khi đại dịch Covid- 19 đã được kiểm soát, lượng du khách đến chiêm bái, lễ, ngắm cảnh tại các khu di tích có xu hướng tăng cao. Có thể kể đến như: Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, Hải Dương), am, chùa Ngọa Vân tại Quảng Ninh… Để phát huy giá trị của di tích, thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, khôi phục lễ hội truyền thống, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển
Chùa Ngọa Vân (Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Phát triển du lịch, hạ tầng phải đi trước

Là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng, đầu năm mới, Đông Triều đã sôi động với nhiều lễ hội, hoạt động du xuân. Một trong những lễ hội mở màn là lễ hội xuân Ngọa Vân diễn ra vào ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), vốn được coi là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Đây là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Thời gian qua, Đông Triều đã quan tâm, tập trung vào việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng… làm nền tảng cho sự phát triển. Căn cứ vào các quy hoạch của tỉnh, Trung ương, thị xã đã chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch, chính sách, quy định để kịp thời điều chỉnh đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển trong lĩnh vực du lịch.

Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển
Hệ thống cáp treo Ngọa Vân (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) không chỉ giúp giảm thời gian di chuyển, đảm bảo an toàn mà còn nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.

Một trong những nét nổi bật là sự quan tâm đầu tư về hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh. Theo đó, đã có nhiều công trình mới được thi công, đưa vào phục vụ du lịch như: Tuyến đường vào các lăng mộ vua Trần; tuyến đường hành hương kết nối khu di tích Yên Tử với Hồ Thiên - Ngọa Vân; hệ thống dịch vụ cáp treo Ngọa Vân cùng các hạ tầng, dịch vụ đa dạng gắn với di tích; thi công thảm bê tông nhựa từ ngã sáu Đức Chính vào chùa Quỳnh Lâm; chuẩn bị đầu tư mở rộng nút giao đền Sinh và bãi đỗ xe đền Sinh...

Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển
Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) được biết đến như một địa chỉ văn hóa tâm linh quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Tại Hải Dương, được sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thực hiện theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích gắn với phát triển du lịch, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã được thực hiện tốt. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không ngừng được đầu tư xây dựng. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh.

Từ năm 2015 đến nay một số các hạng mục di tích đã và đang được hoàn thành như sau: Hoàn thiện thi công giai đoạn 1 dự án Đường vào đền Kiếp Bạc. Xây dựng mới bãi đỗ xe số 3 Côn Sơn (diện tích 2ha). Thi công hoàn thiện nhà Tổ đường chùa Côn Sơn. Phục dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa, hậu đường và tả hữu tiền hành làng, gác chuông chùa Côn Sơn.

Trong năm 2020, đã tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc với các hạng mục: Tả hữu Thành các, tả hữu Giải vũ, Am hóa vàng. Hoàn thành việc thi công xây dựng Cầu An Lĩnh, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường phục vụ lễ hội. Phối hợp với UBND xã Hưng Đạo thực hiện việc di chuyển dãy hàng quán, dịch vụ hai bên đường thần đạo ra vị trí mới theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Cải tạo cảnh quan khu vực cầu vào đền thờ Nguyễn Trãi, khu vực chùa Côn Sơn... Hoàn thiện dự án tu bổ, tôn tạo Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn. Phối hợp thi công đầu tư tuyến đường hồ phía Nam, từ bãi xe số 2 ra khu vực đê sông Thương. Phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện việc di chuyển dãy hàng quán, dịch vụ bên đê sông thương ra vị trí mới phù hợp với cảnh quan, môi trường. Tích cực cải tạo, tu sửa, nâng cấp các công trình phụ trợ, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, an toàn khu di tích và hiệu quả công việc. Hoàn thiện các khu trải nghiệm tại khu di tích...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Ban Quản lý di tích (BQLDT) Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Hiện nay, BQLDT đang tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long và điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể, bảo tồn khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tham gia nghiên cứu, khảo sát thực hiện đề án giải pháp phục hồi suối Côn Sơn. Lập dự án xây dựng Đường thần đạo, tứ trụ, thủy đình đền Kiếp Bạc, Miếu Cửu Thiên Vũ Đế trên núi Mâm Xôi Kiếp Bạc, cải tạo khu vực Bàn Cờ tiên, Vườn tháp, Hồ bán nguyệt chùa Côn Sơn...

Trong quá trình hoạt động, từ kinh nghiệm thực tiễn, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời tiến hành nhiều biện pháp triển khai thực hiện công tác này nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tham gia đóng góp xây dựng di tích. Từng bước dần hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cho việc phát triển du lịch.

Nhìn chung những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể đã được thực hiện tốt, thu hút mọi thành phần xã hội tham gia. Hạ tầng khu di tích bước đầu được cải thiện, việc tu bổ, tôn tạo di tích đã thu hút được nguồn lực đầu tư; các công trình trọng điểm như đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, tòa Cửu Phẩm liên hoa... được tôn tạo khang trang, bộ mặt di tích đã cơ bản thay đổi và khởi sắc.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Nhằm thúc đẩy, mở rộng liên kết du lịch, xu hướng đang phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19, Đông Triều cũng đặc biệt quan tâm phối hợp với các địa phương lân cận, đặc biệt là Hải Dương, Bắc Giang. Điều thuận lợi là, trước đó Quảng Ninh và 2 tỉnh bạn đã cam kết phối hợp hoàn thành hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, trong đó có Khu di tích lịch sử nhà Trần là Di sản thế giới. Vì vậy, thị xã cũng tăng cường kết nối, hỗ trợ quảng bá kết hợp nhiều sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận của 2 tỉnh. Gần nhất, ngay đầu năm mới 2023, Đông Triều đã tham gia gian hàng tại Tuần Văn hóa - Du lịch và Xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.

Ở phạm vi trong tỉnh, Đông Triều cũng thúc đẩy kết nối, xúc tiến du lịch tâm linh với 2 địa phương lân cận là: Uông Bí, Quảng Yên. Đặc biệt, đầu năm 2023, thị xã hoàn thiện đề án Phát triển du lịch Đông Triều đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiều hoạt động liên kết thúc đẩy, phát triển du lịch tâm linh; chương trình phối hợp, xúc tiến du lịch với các địa phương khác. Cũng trong năm nay, thị xã cũng sẽ kết hợp với Liên đoàn mô tô, xe đạp thể thao tổ chức nhiều giải, hoạt động kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Đây là các sự kiện thể thao kết hợp biểu diễn nghệ thuật để quảng bá du lịch tâm linh và các sản phẩm thế mạnh khác.

Đổi mới, tạo sức bật, thị xã cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Cụ thể, Đông Triều sẽ triển khai chương trình thuyết minh tự động, đang được các đơn vị trung ương và địa phương triển khai rất thành công; đẩy mạnh vùng phủ sóng 5G tại các điểm trung tâm, điểm du lịch; xây dựng tất cả các tour, tuyến có thuyết minh tự động... Tất cả nhằm tạo sự tiện nghi, thuận lợi tối đa cho du khách, đặc biệt là tại các điểm di tích trong Quần thể di tích nhà Trần trên địa bàn.

Được biết, để tăng sức hút, thúc đẩy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh du lịch, thị xã cũng đưa ra nhiều giải pháp tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; chiến dịch quảng bá kích cầu; tăng cường phối hợp quảng bá, giới thiệu trên các kênh thông tấn, báo chí. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường đảm bảo môi trường du lịch, mạnh tay xử lý vi phạm... tạo môi trường du lịch lành mạnh, hút khách.

Sau vài năm bị đình trệ, lễ hội xuân Ngọa Vân năm nay mang diện mạo mới, được tổ chức quy củ, trang trọng với các nghi lễ cầu quốc thái, dân an, gióng trống - thỉnh chuông khai hội, lễ dâng hương tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân. Lễ hội còn hút khách thập phương bởi các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng.

Mở đầu năm 2023, du lịch Đông Triều đã sôi động, khởi sắc với lượng khách đông đảo du xuân. Theo thống kê chỉ trong những ngày đầu năm 2023, một số điểm di tích đã đón tiếp số lượng khách lớn: Chùa Quỳnh Lâm đón trên 33.000 lượt; đền An Sinh trên 28.000 lượt; chùa Ngọa Vân trên 17.000 lượt…, góp phần nâng tổng lượng khách tới Thị xã Đông Triều dịp này lên gần 144.000 lượt.

Trong không khí du xuân sôi động, ngay sau đó là lễ hội Thái Miếu (từ 8-10/2, tức ngày 18-20 tháng Giêng). Đây được coi là chốn linh thiêng nhất, di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể khu di tích nhà Trần, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Trần và các vị vua Trần. Lễ hội Thái Miếu được tổ chức công phu với các nghi lễ trang nghiêm: Lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến vua… Trảy hội xuân, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn được tổ chức tại sân giếng Thái Miếu, như: Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh, hội cờ xuân, giao lưu cờ cây, tung còn, đập niêu, kéo co…

Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển
Nhiều du khách thập phương đã tìm về Côn Sơn – Kiếp Bạc trong những ngày đầu năm Quý Mão 2023.

Theo BQLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc, tính từ 1/1 – 15/2/2023, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đón khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu đến năm 2025, đưa Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch Quốc gia. Phát triển du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trên cơ sở cân bằng việc bảo tồn di sản văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên của khu vực theo xu thế bền vững. Ban QLDT cũng đã triển khai các giải pháp cụ thể như: Kiện toàn mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh; đào tạo, nâng cấp nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức hợp lý các hoạt động trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích...

Bám sát, thực hiện, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể khu di tích; Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án phát triển du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2021 -2025; Đề án du lịch thông minh, Đề án phát triển du lịch thành phố Chí Linh giai đoạn 2020 -2025; Đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch…

Dần hoàn thiện các sản phẩm du lịch: du lịch tâm linh, lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch vui chơi giải trí, trải nghiệm... Đầu tư nghiên cứu các sản phẩm đặc thù…Định hướng các tuyến điểm thăm quan chuyên đề, liên kết du lịch... Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, nhằm phục hồi và phát huy giá giá trị của khu di tích.

Phát triển xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc sản du lịch... Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào khu di tích; ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư đã khảo sát, nghiên cứu các dự án phát triển du lịch ở khu di tích như thủ tục hành chính, thuế đất... Chú trọng việc quảng bá, làm truyền thông bài bản, có chiến lược về du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc… Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên, đảm bảo sự phát triển bền vững du lịch. Đẩy mạnh công tác cải tạo cảnh quan môi trường di tích… Tạo cảnh quan môi trường di tích luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp....

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, tới các thôn, khu dân cư xã, phường địa phương các văn bản tài liệu gồm: Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...

Có thể thấy công tác tổ chức lễ hội và phục vụ du khách ở các điểm đến di tích đã có nhiều chuyển biến tích cực để nâng cao tính văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống, trong khi người dân và du khách cũng chấp hành tốt hơn các quy định.

Các Ban quản lý đã có những đầu tư về hạ tầng, tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ, dự hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích, công tác tổ chức cũng bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội đang có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở lại nét văn hóa đẹp như vốn có.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load