Thứ ba 14/05/2024 17:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đặc sắc Lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023

12:25 | 16/02/2023

(Xây dựng) – Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lễ hội bị hạn chế, ngày 6/2/2023, UBND Hải Dương đã tổ chức Lễ Khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 với đầy đủ phần lễ và phần hội, với các nghi lễ như: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; phần hội với Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng...

Đặc sắc Lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023
Các đại biểu dâng hương tại Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc từ nhiều thế kỷ trước đã trở thành tập quán đẹp. Theo tác giả Vũ Phương Đề trong sách “Công Dư Tiệp Ký” thế kỷ XVIII chép: “Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh gái lịch kéo nhau về đây vãn cảnh, đường sá đi lại đông như mắc cửi, thực là một nơi đại thắng tích”.

Mở đầu các nghi lễ diễn ra trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ khai hội, tổ chức vào sáng ngày 16 tháng Giêng hằng năm. Trong không khí linh thiêng của ngày hội, chiếc lư hương lớn của chùa Côn Sơn tỏa hương trầm thơm ngát làm không khí thêm trang trọng, hồi trống khai hội rộn rã vang lên hòa vào đất trời. Không gian thiêng kết hợp với không khí hội tưng bừng, trong tiếng trống chiêng, tiếng nhạc lưu thủy hành vân mọi người cùng thành kính dâng nén tâm hương trước trời, Phật, các bậc tiền nhân cùng niềm tin ước nguyện được linh ứng.

Sau lễ dâng hương khai hội, các đại biểu và nhân dân tham gia nghi lễ rước nước. Đây là nghi lễ truyền thống thu hút đông đảo nhân dân, phật tử tham gia. Đoàn rước ra đến hồ Côn Sơn làm lễ xin nước với đầy đủ các nghi thức như: dâng hương, trì chú, đăng đàn cầu nước, an vị thuỷ bình. Sau một năm làm ăn thuận lợi, bước sang năm mới cả cộng đồng dân cư lại làm lễ rước tam vị Thánh tổ thiền phái Trúc Lâm đi cầu nước cho sản xuất, và đời sống dân sinh được đầy đủ thuận hoà. Trong năm mới, họ thành kính rước Phật tổ để chiêm ngưỡng sự thịnh vượng, an lành của đất nước, sự thành đạt, đoàn kết của các lớp con cháu. Không khí lễ rước nước linh thiêng choáng ngợp, cảm giác vui mừng, hân hoan lan toả như được tiếp thêm sức mạnh phật pháp, với niềm tin Phật, Thánh sẽ chứng cho lòng thành kính của cộng đồng mà ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ và mọi điều an lành. Sau đó bình nước được rước về Tổ đường chùa Côn Sơn làm lễ mộc dục Trúc Lâm tam tổ theo nghi thức truyền thống của Phật giáo.

Đặc sắc Lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023
Các nghi thức đầu tiên của lễ khai hội.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào sáng ngày 17 tháng Giêng tại Trung Nhạc miếu. Đây là nghi lễ cổ truyền của chùa Côn Sơn. Nếu ngày 16 tháng giêng nhân dân rước Thánh tổ đi cầu nước tượng trưng cho việc ra sông, biển cầu các vị thuỷ thần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, sản xuất nông nghiệp thuận lợi không bị lũ lụt, hạn hán, mùa màng bội thu, thì lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong trời đất chứng kiến lòng thành kính và phép ứng xử trong đời sống xã hội của cộng đồng đúng đạo làm người, hợp với đạo trời – từ bi hỷ xả mà trời đất, thánh Phật phù giúp cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.

Lễ hội chùa Côn Sơn chứa đựng và phản ánh nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, giúp các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán gắn liền với khu di tích đặc biệt quan trọng này, nhằm góp phần gìn giữ di sản văn hóa của cha ông ta để lại cho các thế hệ.

Lễ hội chùa Côn Sơn còn là dịp tôn vinh các bậc tiền nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm... Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng tổ chức mang tính chất như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Đặc biệt, lễ hội đã gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội chùa Côn Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lễ hội bị hạn chế, ngày 6/2/2023, UBND Hải Dương đã tổ chức Lễ Khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 với đầy đủ phần lễ và phần hội, với các nghi lễ như: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; phần hội với Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng...

Đặc sắc Lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023
Màn trống hội của các nghệ sĩ đoàn chèo Hải Dương.

Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, gần 7 thế kỷ qua, những giá trị di sản văn hóa ở Côn Sơn đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam.

Với giá trị to lớn, Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962 và năm 2012 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, đến với Côn Sơn là đến với những địa danh rất đỗi quen thuộc trong tâm thức biết bao du khách như: Chùa Hun, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, suối Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, núi Ngũ nhạc...

Nơi đây, lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có các bảo vật quốc gia như: Bia “Thanh Hư Động”; Bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Cũng tại đây, ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” đã trở thành ký ức thiêng liêng, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về cội nguồn, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân.

Đặc sắc Lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023
Màn pháo đất thu hút các du khách tới xem.

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn; quan tâm đầu tư, bảo tồn, tu bổ, phục dựng nhiều công trình tiêu biểu.

Đồng thời, tỉnh cũng tích cực phối hợp cùng với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc để cùng các địa phương hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Trong khuôn khổ lễ hội cũng đã diễn ra lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng Giêng, năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4, tức năm 1254 đời vua Trần Thái Tông, nguyên quán tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đỗ Tiến sĩ từ năm 21 tuổi, từng làm quan tại Viện Hàn lâm. Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, Ông đã từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo, được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giao chuyên tâm biên soạn kinh sách về Phật học.

Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để hoằng dương Phật pháp và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như đài Cửu Phẩm Liên Hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp…đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm.

Thu Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Bình Định: Khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu

    (Xây dựng) – Ngày 11/5, ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, Bảo tàng tỉnh Bình Định vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

    14:41 | 11/05/2024
  • Thông tin chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Chương trình đặc biệt chào mừng ngày 30/4

    (Xây dựng) - Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

    21:15 | 10/05/2024
  • Ninh Bình: Đẩy nhanh tiến độ Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích Cố đô Hoa Lư

    (Xây dựng) – Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị phối hợp hoàn thiện Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    17:40 | 10/05/2024
  • Chương trình “Đất nước trọn niềm vui” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam

    (Xây dựng) - Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hoá cách mạng của dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình diễn ra vào 20h00 ngày 25/4/2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.

    15:49 | 10/05/2024
  • Khai mạc “Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa”

    (Xây dựng) - Ngày 9/5, Bảo tàng Hải Phòng tổ chức khai mạc chương trình “Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa” tại Di tích đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).

    12:37 | 10/05/2024
  • Trà Vinh: Xin tài trợ 70 tỷ đồng để xây dựng Khu lưu niệm

    (Xây dựng) – Theo kế hoạch, trong tháng 5 và 6/2024, tỉnh Trà Vinh thành lập Ban vận động đến các địa phương Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ xin tài trợ 70 tỷ đồng xây dựng Khu lưu niệm cố soạn giả - NSND Viễn Châu. Ban vận động xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch vận động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh, văn nghệ sỹ đóng góp quỹ.

    11:20 | 10/05/2024
  • Festival Biển đảo Việt Nam: Tôn vinh di sản văn hóa miền biển

    (Xây dựng) – Từ ngày 23 đến ngày 26/5/2024 tại Quảng trường đường Quang Trung (Bãi Trước - Thành phố Vũng Tàu) sẽ diễn ra chuỗi sự kiện “Festival Biển đảo Việt Nam - Thành phố Vũng Tàu 2024”. Sự kiện sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương và nâng cao hình ảnh, vị thế du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ du lịch quốc tế.

    09:09 | 10/05/2024
  • Nghệ An: Lắng đọng chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn”

    (Xây dựng) - Tối 8/5, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An và Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên - Huế phối hợp thực hiện cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn” tại hai điểm cầu: Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) với trường THPT chuyên Quốc học Huế (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế).

    11:18 | 09/05/2024
  • Hải Phòng: Ra mắt công chúng Bộ hiện vật độc bản bằng vàng cung tiến nữ tướng Lê Chân

    (Xây dựng) - Hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, vào ngày 11/5 tới, lần đầu tiên Bảo tàng Hải Phòng sẽ cho ra mắt công chúng Bộ hiện vật độc bản bằng vàng dâng cúng nữ tướng Lê Chân trong khuôn khổ Trưng bày Bảo vật quốc gia.

    23:19 | 08/05/2024
  • Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh

    (Xây dựng) – Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình có kiến trúc mặt đứng sử dụng hệ mặt dựng có phân vị lớn, bởi vật liệu kính và hợp kim nhôm kết hợp giải pháp xử lý hình thức kiến trúc độc đáo, kết cấu vượt khẩu độ lớn bọc vật liệu hợp kim nhôm với chiều cao tương đương với một tòa nhà 6 tầng tạo cho khối kiến trúc này như một biểu tượng có thể nhận biết từ xa.

    23:15 | 08/05/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load