Thứ bảy 27/04/2024 07:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu

19:00 | 01/01/2022

(Xây dựng) - Năm 2022, Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) sẽ chủ trì thực hiện 3 nhiệm vụ chính trong Kế hoạch triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch) được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 1120/QĐ-BXD ngày 08/10/2021. Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng về việc triển khai nhiệm vụ này.

phat trien ben vung ung pho voi bien doi khi hau
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng

Theo Kế hoạch, VIAr sẽ chủ trì 3 nhiệm vụ chính trong Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin Viện trưởng cho biết, VIAr có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ này như thế nào?

- Kế hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, triển khai, cụ thể hóa các nội dung cần thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Định hướng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.

Theo Kế hoạch, Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ chủ trì 3 nhiệm vụ chính, gồm: Xây dựng Đề án phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai; xây dựng Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc; xây dựng Kế hoạch chương trình quảng bá, phát triển kiến trúc Việt Nam ra thế giới. Trong năm 2022, Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ triển khai các nội dung của từng nhiệm vụ.

Viện trưởng có lường trước khó khăn, vướng mắc khi triển khai các nhiệm vụ này không? VIAr sẽ đề xuất giải pháp gì để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nói trên?

- Tôi cho rằng, trong quá trình thực hiện cả 3 nhiệm vụ nêu trên đều có khó khăn riêng, đòi hỏi VIAr phải nghiên cứu công phu, khoa học, bài bản, có sức thuyết phục và khả thi, để áp dụng, thực hiện được trong thực tế.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai, nội dung nghiên cứu thực hiện phải đạt được một số mục tiêu chính như đề xuất giải pháp quản lý và phát triển các loại hình công trình kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai, trên cơ sở phân tích, đánh giá, vận dụng các giá trị của kiến trúc truyền thống vào kiến trúc thời đại…

Đồng thời, VIAr cũng phải xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất các dự án và trình tự ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, phát triển các loại hình công trình kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai…

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, nội dung nghiên cứu thực hiện phải đạt được một số mục tiêu chính như tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực kiến trúc; thúc đẩy kết nối thông tin, dữ liệu kiến trúc; cung cấp giá trị sản phẩm kiến trúc cho xã hội…

Trong khi đó, nhiệm vụ quảng bá, phát triển kiến trúc Việt Nam ra thế giới sẽ không chỉ để quốc tế nhận biết về kiến trúc Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần xuất khẩu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Quảng bá văn hóa nói chung và kiến trúc Việt Nam nói riêng ra sẽ tạo ra “sức mạnh mềm”, làm cho kiến trúc Việt Nam thấm sâu vào cộng đồng dân cư và cộng đồng quốc tế, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, hạn chế nguy cơ lệ thuộc vào văn hóa của các quốc gia khác.

Các nhiệm vụ đều rất khó khăn, nhưng VIAr quyết tâm hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng của sản phẩm nghiên cứu. Quan trọng là các sản phẩm nghiên cứu phải được áp dụng, triển khai trong thực tế thì mới tạo nên sự thành công của Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thưa Viện trưởng, Định hướng phát triển kiến trúc nói chung và nhiệm vụ phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai nói riêng sẽ có tác động như thế nào đến diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn tại Việt Nam trong tương lai?

- Quá trình phát triển xây dựng đô thị tại Việt Nam đang diễn ra nhanh, kéo theo là hiện tượng đô thị hóa nông thôn. Diện mạo kiến trúc, cảnh quan của các đô thị đang phát triển, thay đổi hàng ngày theo việc triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, thiết kế xây dựng các công trình được duyệt. Điều này có nghĩa là diện mạo kiến trúc, cảnh quan của các đô thị phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và việc thực thi các đồ án, thiết kế được duyệt.

Bên cạnh đó, diện mạo kiến trúc, cảnh quan vùng nông thôn cũng thay đổi nhiều, nhưng theo hướng ẩn chứa nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến môi trường sống, kiến trúc truyền thống và cảnh quan tự nhiên.

Nhìn chung, việc tạo lập diện mạo kiến trúc phát triển đô thị và nông thôn mới đang thiếu các sản phẩm nghiên cứu làm cơ sở khoa học đầu vào phục vụ cho công tác lập quy hoạch và thiết kế xây dựng. Đó là việc đánh giá các giá trị của hệ thống cảnh quan sinh thái tự nhiên, mô hình định cư và kiến trúc truyền thống khu vực, thiết kế công trình mẫu... Nếu không sớm thực hiện phương pháp tiếp cận mới nhằm tạo ra một bản sắc riêng thì kiến trúc ở các đô thị và khu vực nông thôn sẽ dần mất đi tính truyền thống và không có bản sắc riêng.

Theo tôi, việc tạo dựng mô hình quy hoạch riêng, hình thái kiến trúc riêng cho từng vùng miền là việc làm cần thiết để các đô thị và nông thôn phát triển bền vững trong tương lai.

Nếu được nghiên cứu và thực hiện bài bản, Định hướng nói chung, và nhiệm vụ phát triển kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai nói riêng, sẽ có tác động tích cực đến diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn tại Việt Nam hiện đại trong tương lai, đạt được mục tiêu phát triển kiến trúc bền vững.

phat trien ben vung ung pho voi bien doi khi hau
Phát triển bền vững đô thị biển miền Trung thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong quá trình hội nhập với thế giới, kiến trúc Việt Nam có sự giao thoa với nhiều nền kiến trúc trên toàn cầu. Vậy đâu là giải pháp để quản lý, phát triển bản sắc, văn hóa dân tộc và kế thừa kiến trúc Việt Nam truyền thống trong tình hình mới?

- Trong quá trình hội nhập với thế giới, dĩ nhiên kiến trúc Việt Nam sẽ có sự giao thoa với nhiều nền kiến trúc trên toàn cầu. Vì vậy, để quản lý, phát triển bản sắc, văn hóa dân tộc và kế thừa kiến trúc Việt Nam truyền thống trong tình hình mới, theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện một số giải pháp.

Trước hết, chúng ta cần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam thông qua hệ thống công cụ quản lý, gồm đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có chất lượng từ Trung ương tới các địa phương và hệ thống văn bản quản lý nhà nước (Luật, Nghị định, Thông tư, Quy chế quản lý kiến trúc, đồ án quy hoạch xây dựng, đồ án thiết kế đô thị...).

Đồng thời, chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, từ đó tạo lập không gian, môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc” và nội dung về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” với quan điểm xuyên suốt của Đảng “Đặt văn hóa ngang hàng với lĩnh vực kinh tế, chính trị”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lịch sử hình thành và phát triển kiến trúc truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ, của mỗi tộc người, của từng vùng miền…

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cũng cần thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại các địa phương, từ đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy hiệu quả; bảo tồn phát huy nghề và làng nghề, lễ hội truyền thống; chú trọng tôn vinh các nghiên cứu, phát hiện giá trị kiến trúc truyền thống và công trình kiến trúc hiện đại mang dấu ấn truyền thống đặc sắc…

Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

Hữu Mạnh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load