Thứ năm 18/04/2024 13:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát sinh, phát triển trượt lở đất: Cần đánh giá đúng các yếu tố điều kiện và nguyên nhân gây tai biến

16:24 | 28/10/2020

(Xây dựng) – Các yếu tố phát sinh, phát triển trượt lở như ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) rất đa dạng và phức tạp, đặt các nhà khoa học trước thách thức phải lý giải đúng các yếu tố điều kiện và nguyên nhân trượt lở, từ đó mới có phương án xử lý phù hợp. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Liểu – Chủ nhiệm bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

phat sinh phat trien truot lo dat can danh gia dung cac yeu to dieu kien va nguyen nhan gay tai bien
Ông Trần Mạnh Liểu – Chủ nhiệm bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Dự báo tai biến trượt lở có khó không, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Liểu: Dự báo các tai biến trượt lở rất khó ở chỗ các yếu tố phát sinh, phát triển các tai biến trượt lở rất nhiều và vấn đề cốt lõi là khi dự báo các tai biến trượt lở thì người dự báo cần hệ thống hóa toàn bộ các yếu tố, đánh giá được vai trò của từng yếu tố và có được mô hình cũng như phương pháp dự báo tương ứng thì mới cho ra kết quả có độ tin cậy.

Dự báo cũng có nhiều loại: Dự báo theo không gian (dự báo theo khu vực, dự báo ở mức độ cục bộ), dự báo theo thời gian (dài hạn, ngắn hạn, dự báo theo thời gian thực). Ở mỗi một loại dự báo đòi hỏi áp dụng các mô hình, các phương pháp dự báo khác nhau, các số liệu để phục vụ cho các dự báo cũng rất khác nhau.

Về vai trò của các yếu tố, nhóm các yếu tố về điều kiện phát sinh, phát triển trượt lở, đó là tổ hợp các yếu tố về cấu trúc và tính chất của môi trường địa chất, cần nhưng chưa đủ để phát sinh tai biến (cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa hình,…) quyết định chủ yếu đến nguồn gốc (loại hình), cường độ và xu thế (hướng) phát triển tai biến. Còn nhóm các yếu tố nguyên nhân là các quá trình tác động khác như mưa, động đất, nước mặt, nước ngấm, các hoạt động kinh tế xây dựng của con người… quyết định chủ yếu đến động lực phát triển (tần suất và thời gian xuất hiện) của tai biến. Bất kỳ một tai biến nào phát triển đều phải có cả các yếu tố về điều kiện và nguyên nhân, gọi chung là các yếu tố phát sinh, phát triển tai biến. Trọng số tham gia của mỗi yếu tố rất khác nhau đối với mỗi thu vực cụ thể. Đó là một số lưu ý cần thiết trong dự báo tai biến địa chất, bao gồm cả trượt lở đất đá.

PV: Ông có khuyến nghị gì cho UBND các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Trị về công tác dự báo?

Ông Trần Mạnh Liểu: Các địa phương cần rà soát lại các dự báo đã có và khai thác số liệu từ các dự báo đó một cách hiệu quả; kiểm chứng lại độ tin cậy của các dự báo và tiếp tục hoàn thiện các dự báo đó, trên cơ sở các số liệu được cập nhật. Đặc biệt quan trọng, mỗi một địa phương cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thường trực, được cập nhật liên tục để bảo đảm phục vụ công tác dự báo, hỗ trợ ra quyết định và xử lý.

Nếu chỉ dừng lại một số bản đồ dự báo nguy cơ trượt lở thì chưa đủ, nên xây dựng dữ liệu khả năng thiệt hại, rủi ro do tai biến mang đến. Về bản chất, rủi ro là tích của 2 xác xuất có điều kiện, xác xuất xuất hiện tai biến và khả năng thiệt hại do tai biến đó mang đến cho đối tượng chịu tác động. Do vậy, bản đồ khả năng thiệt hại và rủi ro (về người và tài sản) được xây dựng trên cơ sở các bản đồ dự báo nguy cơ kể trên, các bản đồ phân bố dân cư, bản đồ phân bố tài sản và giá trị tài sản, sẽ là tài liệu cơ sở bổ sung tốt cho kế hoạch phòng chống phù hợp.

Để thực hiện một cách bài bản, có quy mô cần nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống thống nhất từ quan trắc, dự báo, đến phân tích – đánh giá, hỗ trợ ra quyết định và xử lý (monitoring). Các tỉnh làm được như vậy sẽ chủ động trong phòng chống tai biến địa chất.

PV: Từ những chia sẻ của ông trên đây cũng đặt ra nhiều vấn đề vô cùng quan trọng trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Mạnh Liểu: Từ trước đến nay, chúng ta rất chú trọng đến dự báo nguy cơ tai biến địa chất, vấn đề rủi ro do tai biến gây ra đã được quan tâm, nhưng còn khiêm tốn và do đó, các kịch bản ứng xử, giải pháp tương ứng còn nhiều hạn chế về cơ sở khoa học. Các giải pháp tương ứng của mỗi địa phương phải bắt đầu từ quy hoạch phòng chống tai biến. Còn quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có quy hoạch xây dựng, cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố điều kiện tự nhiên, trong đó phải được lồng ghép với quy hoạch phòng chống thiên tai nói chung và các tai biến địa chất nói riêng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (Thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load