Chủ nhật 03/11/2024 04:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

11:17 | 22/11/2023

(Xây dựng) - Ngày 21/11, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Sự kiện này có hơn 70 đại biểu tham gia trực tiếp và 100 đại biểu tham gia trực tuyến, gồm các chuyên gia toàn cầu, cán bộ chính phủ và các bên liên quan ở địa phương, để tìm hiểu các vai trò đa chiều của rừng ngập mặn đối với phúc lợi môi trường và cộng đồng. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của rừng ngập mặn như nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng địa phương, và là thành phần quan trọng của hệ sinh thái “carbon xanh”, nhờ đó rừng ngập mặn trở thành một tài sản quý giá đối với tài chính carbon bền vững và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hội thảo tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển học hỏi các thực hành tốt và chia sẻ bài học, kinh nghiệm liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, đưa rừng ngập mặn vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và khai thác tiềm năng carbon xanh của rừng ngập mặn trong việc cấp tài chính cho các nỗ lực bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam, kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ và trồng rừng ngập mặn. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ: “Sau hội thảo này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp trình Chính phủ phê duyệt và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật. Tôi kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ rừng và trồng rừng ven biển”. Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn. Bà nêu bật về các dự án hợp tác triển khai cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm cả hoạt động trồng và phục hồi hơn 4.000ha rừng ngập mặn và một dự án sắp tới do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000ha nữa. Bà cũng đề cập đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của UNDP, do Chính phủ Anh hỗ trợ, để tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon với tính toàn vẹn cao khi thực hiện Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris trong tương lai.

Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Bà Ramla Khalidi nhấn mạnh: "Việc mất rừng ngập mặn nhanh chóng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi, đa dạng sinh học ven biển, và sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái này. Việc khôi phục rừng ngập mặn không chỉ đơn thuần là một mệnh lệnh về môi trường, mà còn là nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai”.

Ông Alex White - Bộ Môi trường Thực phẩm và Nông thôn, Vương Quốc Anh nói: "Vương quốc Anh nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và phát triển bền vững, cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh. Sự hợp tác của chúng tôi với UNDP về rừng, sử dụng đất, và thiên nhiên tập trung vào việc tìm hiểu lợi ích của các hệ sinh thái rừng quan trọng này và chúng tôi rất vui khi được chứng kiến những hoạt động chung của Vương quốc Anh và UNDP tại Việt Nam”.

Hội thảo có các bài tham luận, trình bày chuyên sâu của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bà Clea Paz-Rivera từ UNDP nhấn mạnh ý nghĩa của rừng ngập mặn trên toàn cầu trong việc cô lập carbon và bảo vệ bờ biển. Ông Vũ Tấn Phương từ Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) đã trình bày về vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong việc lưu giữ và giảm phát thải carbon, chiến lược phát triển lâm nghiệp, và các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho các mục tiêu khí hậu. Ông cũng chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường carbon, trong đó tập trung xây dựng khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho giao dịch carbon, nhằm thu hút khu vực tư nhân phát triển kinh tế phát thải ít carbon, và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh.

Các chuyên gia từ Sri Lanka và Indonesia cũng chia sẻ kinh nghiệm chi tiết về các sáng kiến phục hồi rừng ngập mặn ở quốc gia họ, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo tồn các hệ sinh thái tối quan trọng này trước những thách thức khí hậu toàn cầu. Bà Maitreyee Mukherjee, chuyên gia từ Singapore, đã phân tích thị trường carbon, thuế carbon và Hệ thống thương mại phát thải (ETS) cũng như vai trò tiềm năng của chúng trong quản lý rừng bền vững, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong chiến lược môi trường toàn cầu. Singapore là quốc gia ASEAN đầu tiên triển khai thuế carbon lũy tiến vào năm 2019, bao quát 80% lượng phát thải carbon toàn quốc và đưa ra tín hiệu về giá cho toàn nền kinh tế.

Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình bày báo cáo về Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam. Ông nhấn mạnh những tiến bộ trong chính sách và hướng dẫn kỹ thuật để quản lý rừng bền vững, những thành tựu trong bảo vệ và trồng rừng, cũng như những thách thức phải đối mặt, gồm cả vấn đề sử dụng đất và khó khăn trong công tác trồng rừng ngập mặn. Hội thảo kết thúc với sự nhất trí của các đại biểu về nhu cầu cần có hành động toàn cầu và địa phương để bảo vệ rừng ngập mặn. Nhận thức được vai trò không thể thiếu của rừng ngập mặn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ kinh tế địa phương, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành, tài chính bền vững, và lồng ghép bảo tồn rừng ngập mặn vào các chính sách khí hậu của quốc gia và quốc tế.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load