Thứ hai 02/12/2024 15:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Phát huy các tiềm năng để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

21:03 | 20/10/2022

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

phat huy cac tiem nang de phat trien thanh pho buon ma thuot
Đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Chuyên gia, nhà khoa học được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua (như thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa) đối với tỉnh Đắk Lắk nhưng phạm vi áp dụng sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

phat huy cac tiem nang de phat trien thanh pho buon ma thuot
Một góc trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Về mức dư nợ vay, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.

Đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 4), dự thảo Nghị quyết quy định: Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, gồm: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Về quản lý quy hoạch (Điều 5), trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Quy định rõ điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Đa số ý kiến trong Ủy ban nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù...; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.

phat huy cac tiem nang de phat trien thanh pho buon ma thuot
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Về phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định này vì Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 16% là người dân tộc thiểu số. Nhu cầu chi nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh… trên địa bàn là rất lớn.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk là tỉnh chưa tự cân đối được thu chi ngân sách. Hiện nay, một số chính sách Trung ương ban hành nhưng chưa cân đối đủ và thành phố phải tự đảm bảo, dẫn đến áp lực rất lớn. Quy định trên phù hợp với Kết luận 67, đó là “triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản."

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về mặt chủ trương cần có ưu đãi thuế, tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế; đặc biệt cần xác định cụ thể về nội hàm: “… thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo; sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics…”. Vì nếu quy định chung chung như dự thảo Nghị quyết thì phạm vi áp dụng ưu đãi thuế là rất rộng; một mặt sẽ chưa công bằng, mặt khác có thể dẫn đến lợi dụng pháp luật, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung quy định để tạo căn cứ chặt chẽ cho việc thực hiện, tránh lợi dụng hoặc áp dụng tùy tiện./.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thái Nguyên: Giữ gìn mỹ quan đô thị gắn với đảm bảo hành lang an toàn giao thông

    (Xây dựng) – Trước thực trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, gây mất trật tự ATGT và mỹ quan đô thị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi phạm, nhằm thiết lập kỷ cương, trật tự ATGT trên địa bàn, xây dựng hình ảnh những đô thị văn minh.

  • Khai mạc Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024

    (Xây dựng) – Sáng 2/12, phiên khai mạc Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đã được diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của gần 100 diễn giả, chuyên gia hàng đầu đến từ các khu vực châu Á, đại diện các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

  • Đại học RMIT chia sẻ kết quả nghiên cứu về xu hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững

    (Xây dựng) - Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024 do Đại học RMIT tổ chức đã đưa ra những phát hiện quan trọng liên quan đến xu hướng phát triển, cũng như các thách thức và cơ hội, trong phát triển đô thị thông minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC), nơi đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới.

  • 7 xã ở thành phố Quảng Ngãi sẽ lên phường vào năm 2025

    (Xây dựng) - Việc xây dựng và phấn đấu để 7 xã lên phường vào năm 2025 là chủ trương của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Quảng Ngãi lần thứ 16 và là nguyện vọng chính đáng của người dân thành phố.

  • Thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ ngày 01/01/2025

    (Xây dựng) - Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH 15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025. Các nghị quyết này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

  • Bắc Ninh: Nỗ lực đạt đô thị loại I trước năm 2026

    (Xây dựng) - Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025, trong đó nổi bật là mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load