Thứ ba 10/09/2024 15:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Phát hiện dấu tích của thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến

16:29 | 02/11/2007
 
Gợi nhớ về thương cảng cổ Phố Hiến
 
Ai cũng biết câu "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" và đều chẳng nghi ngờ chút nào về một thời kỳ kéo dài gần 100 năm dưới thời Lê - Trịnh. Phố Hiến (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) là một đô thị sầm uất chỉ kém có Thăng Long, nhưng lại hơn Thăng Long ở chỗ, đó là một thương cảng phồn thịnh nhất thời đó, nơi trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước châu Á, châu Âu, giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đó là những điều đã được ghi trong sử sách, còn trên thực địa, thì ngay cả các nhà nghiên cứu cũng hầu như không tìm được nhiều vết tích nào chứng minh cho sự phồn thịnh đó.
 
 
TT&VH trong một bài viết gần đây về quyết tâm phục dựng lại Phố Hiến của UBND tỉnh Hưng Yên, có cho rằng khó khăn lớn nhất của việc tạo dựng lại bộ mặt Phố Hiến chính là việc khôi phục các thương điếm rực rỡ của người Hà Lan, người Anh, người Pháp... từng thiết lập ở đây. Chính các thương điếm này mới khẳng định tính chất "thương cảng cổ" của Phố Hiến...
 
Và một tin vui vừa đến, vừa qua Bảo tàng tỉnh Hưng Yên sau nhiều năm nghiên cứu và nhiều lần khai quật đã phát hiện cột đá cổ tại thôn Bảo Châu, xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên - một địa điểm nằm trong phạm vi của Phố Hiến thời xưa.
 
Đây là một cột đá lớn, được ghép lại từ ba cột đá nhỏ khác nhau: hai cột hình trụ ở phía trên, mỗi cột cao 65cm. Riêng mảnh ghép của cột đá phía dưới thì rất đặc biệt có cấu tạo kiểu hình nón đường kính đáy rộng tới gần 1m. Tổng chiều dài của toàn cột (khi ghép lại) là 2,15m. Các dấu vết đục đẽo và lỗ tra cán (hình bát giác ở giữa) cho thấy đây chính là cột dùng để cắm cờ cách đây 4 - 5 thế kỷ.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến (Hưng Yên) cho biết: "Theo nhận định ban đầu của những người làm công tác nghiên cứu tại tỉnh Hưng Yên thì đây có thể là cột đá mà người Hà Lan dùng để cắm cờ, đánh dấu địa phận thương điếm của mình. So với những ghi chép của các thương nhân nước ngoài thì vị trí khai quật cột đá này chính là vị trí của thương điếm Hà Lan xưa".
 
Một quá khứ lừng lẫy
 
Sử sách ghi "thương điếm của người Hà Lan xây dựng bên bờ sông Hồng là một công trình kiến trúc châu Âu đẹp nhất, khác hẳn kiểu kiến trúc cung đình Việt".
 
 
Theo "Phố Hiến - lịch sử và văn hóa" thì: "Người Hà Lan buôn bán với ta chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản. Thương điếm của họ xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, không dùng người địa phương".
 
Có thể nói, sự hình thành nên thương cảng Phố Hiến gắn liền với các hoạt động của người Hà Lan, mà mốc khởi đầu có thể chính là ngày thuyền trưởng Hart Skink (Các Hắc Sinh) cập bến Đàng Ngoài trên chiếc thuyền Groll của Hà Lan vào tháng 3-1637. Ông ta không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống phố Khách lập thương điếm cho Công ty Đông Ấn Hà Lan. Đây là công ty hoạt động lâu nhất, có hiệu quả nhất ở Phố Hiến, và là công ty cuối cùng rút khỏi Phố Hiến khoảng năm 1700 khi thương cảng này lụi tàn.
 
Hart Skink là người Hà Lan ghi đậm dấu ấn trong lịch sử Việt Nam. Với tài ngoại giao khéo léo, ông này được vua Lê nhận làm con nuôi. Sau này người kế nhiệm ông ta là Hendrik Baron cũng cho con mình là Semuelo Baron làm con nuôi Trịnh Cán. Chính Semuelo Baron đã để lại cho lịch sử rất nhiều những bức vẽ độc nhất vô nhị về triều đình Lê - Trịnh.

Nguồn: TT&VH

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load