(Xây dựng) – WWF Việt Nam mới tổ chức công chiếu độc quyền bộ phim tài liệu Our Planet: Our Business (tạm dịch là Hành tinh của chúng ta: Trách nhiệm của chúng ta) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm truyền tải thông điệp, đa dạng sinh học rất quan trọng và con người phải có trách nhiệm bảo vệ, đặc biệt là các doanh nghiệp.
WWF Việt Nam đã công chiếu bộ phim tài liệu Our Planet: Our Business tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. |
Bộ phim tài liệu Our Planet: Our Business có độ dài khoảng 40 phút, nằm trong series Our Planet do WWF hợp tác sản xuất với Netflix, vừa được trao 2 giải Emmy.
Nội dung bộ phim đã tiết lộ lý do tại sao đa dạng sinh học rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất và khu vực doanh nghiệp có thể đóng vai trò như thế nào trong nhiệm vụ cứu lấy sự sống trên hành tinh này.
Sự đa dạng sinh học đã mang đến sự sống, sự phát triển cho trái đất, và không có loài nào trên địa cầu hưởng lợi từ quá trình này nhiều hơn loài người. Tuy nhiên, chính loài người lại đang tàn phá môi trường sống của hàng triệu loài động, thực vật để xây dựng nền văn minh hiện đại bậc nhất lịch sử.
Trong 50 năm qua, dân số toàn cầu đã tăng gấp đôi. Việc khai thác tài nguyên không bền vững cũng gia tăng theo cấp số nhân để phục vụ nhu cầu không ngừng tăng lên của chúng ta. 3/4 diện tích mặt đất và 2/3 bề mặt đại dương đang bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Băng ở 2 cực đang dần mất đi khi nhiệt độ tăng lên. Nhiều sông, hồ lớn cũng bị khô cạn.
Gần một nửa diện tích rừng trên thế giới đã bị đốn hạ để lấy gỗ, trồng trọt, chăn nuôi gia súc hay xây dựng khu nghỉ dưỡng. Số lượng quần thể các loài động vật hoang dã đã giảm tới 60% và một triệu loài khác đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiệt độ toàn cầu đang tăng dần lên. Các hiện tượng thiên nhiên bất thường như bão, lũ lụt, hạn hán... ngày càng xuất hiện với tuần suất dày đặc hơn và nghiêm trọng hơn. Hơn 90% dân số trên hành tinh đang phải hít thở không khí ô nhiễm.
Nếu chúng ta gán một giá trị cho tất cả những gì mà trái đất cung cấp miễn phí như khí hậu ôn hòa, không khí sạch, nước sạch, thức ăn... thì giá trị của chúng ước tính sẽ cao hơn gấp đôi GDP toàn cầu. Nói cách khác, việc phá hủy thiên nhiên đang khiến chúng ta tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD mỗi năm
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu tình trạng tàn phá môi trường không được chấm dứt, vào năm 2040, những tảng băng ở Bắc cực có thể tan hết, giải phóng hàng trăm triệu tấn khí metal và con người cũng mất đi cơ hội kiểm soát khí hậu trên toàn cầu. Vào năm 2050, các rặng san hô cuối cùng có thể biến mất vì quá trình axit hóa và nóng lên của đại dương.
Đến năm 2080, việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu có thể đã giết chết các vi sinh vật sống trong đất và côn trùng thụ phấn. Đất đai sẽ khô cằn, khí hậu cũng biến đổi khó lường và loài người sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Vào năm 2100, trái đất có thể ấm hơn 4 độ C, nhiều loài có thể đã tuyệt chủng và hòa bình trên hành tinh này là điều không tưởng.
Theo ước tính của các nhà khoa học, chi phí để đối phó với tình trạng này (nếu có thể), sẽ lên đến 550 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi toàn bộ tài sản trên thế giới hiện nay.
Các vị khách mời thảo luận về các giải pháp, chiến lược kinh doanh bền vững và vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường. |
Hành động của chúng ta đang dẫn đến một tương lai thảm khốc. Nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng trí thông minh của chính mình để ngăn cản thảm kịch xảy ra với những hành động tích cực không ngừng nghỉ trên quy mô toàn cầu để khôi phục và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng bằng những hành động có quy mô lớn và tác động sâu rộng nhằm đáp ứng 5 mục tiêu chính, bao gồm: giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng xanh; giảm tác động đến đất đai; khôi phục “sức khỏe” cho các đại dương; loại bỏ rác thải; xây dựng nền kinh tế bền vững đặt mục tiêu bảo vệ môi trường nên hàng đầu.
Các nhà khoa học đã nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một động lực để thay đổi thế giới, bảo vệ thiên nhiên vì sẽ không có việc làm nào trên một hành tinh chết.
Sự chung tay hành động của toàn cầu trong công tác bảo vệ môi trường đã mang lại một số tín hiệu tích cực. Một số loài cá voi đã phục hồi ở mức thấp. Sinh khối cá ở một số khu vực đại dương đã tăng 40% trong vài năm qua. Một diện tích lớn rừng trồng, rừng ngập mặn, đồng cỏ... đã được khôi phục ở những nơi con người đi qua.
Bà Kavita Prakash – Mani - Giám đốc Chương trình Bảo tồn Toàn cầu của WWF quốc tế, cho biết: “Doanh nghiệp, Chính phủ và người dân cần phải hiểu rõ những tác động mà chúng ta đang gây ra cho hành tinh này, đồng thời cùng tìm kiếm và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Hầu hết các giải pháp nằm trong cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng”.
Sau khi kết thúc thời gian chiếu phim, Yuma Nagata - Quản lý Phát triển bền vững của Công ty 4Ps và ông Daniel Wood – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Thiên Minh, đã có những chia sẻ về phương pháp, chiến lược kinh doanh bền vững của 2 doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Các vị khách mời cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của một bản thỏa thuận toàn cầu về bảo vệ thiên nhiên và các doanh nghiệp có thể đóng góp rất nhiều cho thỏa thuận này. Ngoài ra, các vị khách mời cũng khẳng định, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để chia sẻ các giải pháp, chiến lược kinh doanh bền vững và tạo ra hiệu ứng sâu rộng hơn.
Bà Margaret Kinnaird - Giám đốc chương trình bảo tồn động vật hoang dã của WWF quốc tế chia sẻ. |
Loài người đã thay đổi thế giới sâu sắc đến mức chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng đối với sự tồn tại của hành tinh này. Việt Nam là một trong những quốc gia cần phải làm điều gì đó chưa có trước đây một cách thật khẩn cấp nhằm đảo ngược sự mất mát của tự nhiên...
Tôi tin rằng, sức mạnh cá nhân và doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy điều này. Nếu chúng ta chứng minh rõ ràng cho các Chính phủ thấy rằng, giải pháp và bí quyết tạo nên thành công lâu dài mà chúng ta có thực sự phụ thuộc vào hệ sinh thái khỏe mạnh, chúng ta sẽ đi một chặng đường dài giúp con người người và thiên nhiên phát triển thịnh vượng”, bà Margaret Kinnaird - Giám đốc chương trình bảo tồn động vật hoang dã của WWF quốc tế chia sẻ.
Hữu Mạnh
Theo