Vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định sửa chữa 1,5km QL1A đoạn đi qua TX Hồng Lĩnh bằng giải pháp công nghệ cào bóc “Road cutter” của hãng SAKAI (Nhật Bản) thay cho phương pháp sửa chữa truyền thống trước đây. Giải pháp công nghệ này được Cty VIETRACO nhà thầu tuyến đường trên áp dụng trong thi công và đang được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau khi được kiểm chứng trên thực tế sẽ áp dụng cho một số dự án BOT, BT tại Việt Nam.
Công nghệ cào bóc tái chế và gia cố móng có chức năng vừa phá vỡ kết cấu lớp mặt và móng đường cũ, xáo xới cùng với chất gia cố xi măng và bi tum nhựa đảm bảo độ đồng đều với chiều sâu thiết kế, sau đó định dạng lu lèn đạt độ chặt > K98 để tạo ra lớp móng mới gọi là móng gia cố “Base couse”. Công nghệ này sử dụng các thiết bị chuyên dùng máy cào bóc “Road cutter” và máy gia cố “Stabilizer” của hãng Sakai đã được sử dụng tại Nhật Bản cách đây trên 30 năm với các ưu điểm: Cải thiện đáng kể cường độ kết cấu áo đường, rút ngắn được 2/3 thời gian thi công và giá thành giảm được 1/3 so với phương pháp truyền thống. Được biết, công nghệ này đang được các cấp thẩm quyền chuyên ngành nghiên cứu và ban hành giấy phép áp dụng tại Việt Nam. Trước đó, tại hội thảo “Hệ thống quản lý mặt đường - Kyoto Model” được tổ chức bởi Bộ GTVT và 2 trường đại học Kyoto, Osaka nhiều học giả đánh giá cao “Công nghệ cào bóc tái chế và gia cố móng” và khẳng định Việt Nam đủ điều kiện để triển khai.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một công nghệ có lợi như vậy đến nay mới được thử nghiệm tại Việt Nam. Có nhiều lý do từ quản lý đến kinh phí. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết kinh phí của ngân sách cho công tác bảo trì duy tu sủa chữa đường bộ của ngành hiện chỉ đáp ứng được 30 - 35% yêu cầu đặt ra. Với mức ngân sách như vậy rất khó đảm bảo thời gian phục vụ của các tuyến đường theo thiết kế nên việc sửa chữa chắp vá theo kiểu “trám lỗ thủng” là điều dễ hiểu.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý duy tu bảo dưỡng đường bộ là thông điệp được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định tại nhiều diễn đàn vừa qua. Ông Đông cũng thẳn thắn chỉ ra những yếu kém của công tác bảo trì đường bộ trong nhiều năm qua và cho biết: “Tăng hiệu quả đầu tư bảo trì đường bộ sẽ được triển khai ngay trong kế hoạch công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ năm 2012. Đây là việc không làm không được, trước các đòi hỏi lớn của nền kinh tế và bản thân ngành đường bộ”. Theo đó, Bộ GTVT sẽ “lấy con đường làm trung tâm phục vụ”, dịch vụ quản lý bảo trì sẽ được xã hội hóa, hình thức hợp đồng PBC sẽ được áp dụng trong tổ chức quản lý bảo trì đường bộ. Ngay năm 2012 thí điểm chọn khoảng 10 tuyến đường cho áp dụng hình thức PBC, năm 2013 - 2014 khoảng 50% và năm 2015 áp dụng hợp đồng PBC trên diện rộng.
Vừa qua, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã có “cái bắt tay” tích cực cho vấn đề này nên đường bê tông xi măng đang được cải thiện đáng kể. Vì thế, đối với giải pháp công nghệ cào bóc tái chế và gia cố móng trong sữa chữa, nâng cấp đường bộ, ông Đào Minh - TGĐ Cty VIETRACO bộc bạch: “Là nhà thầu thi công hơn ai hết chúng tôi biết rõ từng loại công nghệ mang lại hiểu quả thế nào, đoạn đường 1,5 km mà chúng tôi đang thi công áp dụng phương pháp cào bóc “một công đoạn trong công nghệ của Nhật Bản ” là minh chứng cụ thể nhất..
Lợi ích và phạm vi áp dụng của công nghệ mang lại - Cải thiện cường độ chịu lực đạt và vượt thiết kế ban đầu, thoả mãn đầu bài đặt ra. - Tiến độ nhanh rút ngắn 50 - 60% thời gian thi công, giảm thiểu các chi phí xã hội. - Giá thành giảm đáng kể và thân thiện với môi trường do việc tái sử dụng tối đa vật liệu cũ tại chỗ của móng đường được gia cố tái chế thành móng đường mới. - Áp dụng sửa chữa nâng cấp cường độ của nền và móng đường dạng hạt cho các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, nông thôn và những nơi khan hiếm vật liệu làm móng đường. - Sử dụng các chất gia cố: Xi măng hoặc xi măng kết hợp với bitum nhựa. |
Lê Mỹ
Theo baoxaydung.com.vn