Tân Thông Hội là một xã ngoại thành của huyện Củ Chi (TP.HCM), chỉ cách trung tâm TP khoảng 20km, nhưng cuộc sống của người dân bao năm còn nhiều khó khăn, thôn ấp đìu hiu… Từ khi được chọn làm xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, bộ mặt của Tân Thông Hội đã thay đổi tích cực.
Câu chuyện của người trong cuộc
Xã Tân Thông Hội có diện tích 1.788ha với 10 ấp, trong đó 6 ấp nông nghiệp còn lại là đô thị hóa. Đất nông nghiệp chiếm 63% diện tích đất của xã và nằm rải rác trong cả khu dân cư, hiệu quả sản xuất thấp. Bà Nguyễn Thị Biền ngụ tại ấp Trung nhớ lại: “Trước kia đường trong xã nói rất lầy lội, trơn trượt, cây cối um tùm. Khi đó, chúng tôi chỉ mơ ước có một con đường sỏi đỏ, sạch sẽ mà thôi. Sau khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay đường thôn ấp đã được láng nhựa, đổ bê tông bà con đi lại rất sướng, mơ ước của người dân đã thành hiện thực”.
3 năm về trước, toàn xã có hơn 1.000ha đất nông nghiệp, đời sống người dân lam lũ bởi hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao. Gia đình anh Nguyễn Thanh Ngà ở ấp Chánh có 7 nhân khẩu, với 3.500m2 đất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, hàng năm chỉ thu nhập được 30 triệu đồng nên đời sống rất khó khăn. Từ sự tuyên truyền của chương trình xây dựng NTM, gia đình anh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại. Nhận được sự hỗ trợ về vốn và kiến thức, đến nay gia đình anh Ngà đã có vườn lan rộng 3.000m2 với 14 nghìn gốc. Sau gần 2 năm, gia đình anh đã có thu nhập từ 25 - 30 triệu đ/tháng.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Thông Hội, trước khi xây dựng đề án, toàn xã có 1.776 hộ nghèo (chiếm 22%), đến nay, nếu so với tiêu chí của Trung ương (4,8 triệu đ/người/năm) thì xã không còn hộ nghèo, còn theo tiêu chí của TP.HCM (dưới 12 triệu đ/người/năm) thì xã còn 636 hộ nghèo (7,85%).
Tạo môi trường thu hút đầu tư
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương chương trình thí điểm xây dựng NTM thì, so với nhiều địa phương khác, kết quả của Tân Thông Hội là cao, toàn diện và khá bền vững. Có được kết quả này, lãnh đạo các cấp của TP.HCM đã thực hiện chương trình nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, quyết liệt. Từ đó thay đổi nhận thức của người nông dân, để người dân coi việc xây dựng NTM là của mình, làm cho mình, mình thụ hưởng nên đã tự nguyện huy động nguồn lực rất lớn cho sự nghiệp này. Rất hiếm địa phương khác làm được như thế.
Ông Trần Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, Trưởng BQL Xây dựng NTM của xã cho biết: Trong quá trình thực hiện các dự án, công tác khó khăn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Xác định được vấn đề này, lãnh đạo xã đã phân công trách nhiệm và vận động cán bộ, đảng viên tiên phong hiến đất, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, sau đó 100% hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất. Cụ thể, có 1.287 hộ đã hiến gần 34.000m2 đất và công trình vật kiến trúc với tổng giá trị trên 60 tỷ đồng. Với sự đóng góp này đã giúp cho xã hoàn thành được 11 tuyến đường kiểu mẫu và nhiều công trình khác.
Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Tân Thông Hội có 23 căn nhà tạm bợ, đến nay số nhà này đã được thay bằng nhà kiên cố. Xã đã có siêu thị, bưu điện văn hóa, sân vận động đa năng, 3 trường học đạt chuẩn quốc gia… tạo nên hạ tầng hoàn chỉnh đem lại những hoạt động phong phú cho người nông dân sau giờ lao động. Có đươc thành quả ấy, ngay từ khi triển khai đề án, xã đã mời đơn vị tư vấn có uy tín phối hợp với ban ngành của huyện và các ấp để triển khai công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành nghề. Bên cạnh đó, xã đã lập Ban giám sát nhân dân từng ấp khi công trình thực hiện trên địa bàn. Công tác tài chính cũng được thực hiện công khai, mọi hoạt động được lãnh đạo TP sát sao chỉ đạo và quan tâm, động viên.
Một trong những điểm nổi bật của Tân Thông Hội sau khi xây dựng NTM là người dân gắn bó với nhau hơn. Anh Ngà cho biết trước kia nhà nào biết nhà đó, nhưng trong quá trình triển khai các dự án, thông qua các buổi họp, bà con gần gũi hiểu nhau hơn. Hiện nay tình làng nghĩa xóm được nâng cao hơn, bà con tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Như vậy, người nông dân đã được thay đổi về nhận thức, kinh tế, văn hóa, xã hội… đó là giá trị rất lớn mà chương trình đạt được.
“Tân Thông Hội là xã dẫn đầu trong 11 xã thí điểm mô hình xây dựng NTM của Chính phủ. Chính quyền và nhân dân ở đây đã biết tận dụng khai thác một cách có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương như: Khai thác nguồn vốn từ các DN, kinh nghiệm quản lý nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất, cách quản lý, cách thức vận động triển khai để có kết quả, kinh nghiệm quản lý quy hoạch thực hiện các đồ án” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn. |
Mai Thanh
Theo baoxaydung.com.vn