Hơn mười ngày đi “tìm hiểu” tại các vùng nông thôn từ Quảng Đông, đến ngoại thành Bắc Kinh, Vân Nam… tôi đã chứng kiến những đổi thay của nông thôn Trung Quốc sau ba mươi năm đổi mới, cũng như hiểu được những điều bức xúc, lo lắng của những nông dân Trung Quốc trước đà đô thị hóa nông thôn.
Một góc nông thôn mới Trung Quốc ở thị trấn Tăng Thành, huyện Tăng Thành, tỉnh Quảng Đông.
Nhiều đồng ruộng bị giải phóng mặt bằng làm KCN, thậm chí có cả thôn xã bị di dời toàn bộ để trở thành KCN hay khu đô thị mới. Người nông dân được di dời đến khu đô thị mới do nhà nước hoặc doanh nghiệp bố trí tái định cư. Một tầng lớp là nông dân bắt buộc phải trở thành thị dân, cuộc sống của họ thế nào… điều đó đã thôi thúc chúng tôi đòi hỏi phải khám phá. Từ Vân Nam, chúng tôi đến thôn Thường Thiệu, trấn Tân Đường, huyện Tăng Thành (tỉnh Quảng Đông), một làng quê cách đây hai năm đã bị thu hồi đất nông nghiệp toàn bộ, kể cả nhà cửa để di dời đến nơi ở mới. Sau hơn một giờ xe chạy qua những cánh đồng bạt ngàn dưa hấu, khoai lang. Hàng dãy phố khang trang, sạch sẽ hiện lên trước mắt chúng tôi như một đô thị trẻ.
Trưởng ban an ninh thôn Thường Thiệu Chu Kiếm Hồng niềm nở đón tiếp chúng tôi tại trụ sở thôn. Nếu không có người giới thiệu nhắc đi nhắc lại đây chỉ là trụ sở cấp thôn thì tôi cứ tưởng nhầm như cỡ trụ sở UBND huyện ở Việt Nam. Một điều rất thú vị là ngay trước cổng trụ sở thôn có ghi đầy đủ các ban ngành như các hội, đoàn thể trên một tấm biển to ngay cổng ra vào. Trong khu vực tiền sảnh của trụ sở có một sa bàn lớn trưng bày toàn bộ quy hoạch khu vực thôn Thường Thiệu. Trưởng ban an ninh Chu chỉ tay về các khu vực nhà ở của các hộ dân và giải thích, tất cả toàn bộ nhân dân sau khi bị thu hồi đất đều được chuyển về khu nhà này. Nhà cửa được định cư mới do nhà nước bỏ tiền ngân sách ra xây và giao cho nông dân sở hữu nhưng không được chuyển nhượng. Khi thi công có đại diện của các nông dân bị thu hồi đất giám sát quy trình xây dựng nên chất lượng nhà khá tốt. Nếu hộ dân nào có nhu cầu thực sự cần thiết phải bán nhà để chuyển đi nơi khác thì phải bán lại cho nhà nước.
Ông Chu cho biết, cách đây 5 năm, trước khi giải phóng mặt bằng của thôn Thường Thiệu để làm KCN theo quy hoạch. Chính quyền đã tổ chức họp bàn với toàn thể đại diện các hộ dân trong thôn, giải quyết mọi mặt các thủ tục, chính sách khi người dân bị thu hồi đất. Tiếp đó, chính quyền và doanh nghiệp đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các đối tượng trong độ tuổi lao động thật nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng nhà nước triển khai nhanh chóng việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu định cư mới. Khu định cư mới phải đảm bảo có đầy đủ các dịch vụ “điện, đường, trường, trạm”, nếu không đầy đủ những thứ đó, người dân có quyền không đi mà chính quyền không được cưỡng chế .
Để tạo việc làm cho những nông dân đã trở thành thị dân, chính quyền yêu cầu và giám sát những doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tuyển những thị dân mới trong độ tuổi lao động. Do vậy, tại những khu định cư mới không có những người “ăn không ngồi rồi” để dễ dàng sa vào những tệ nạn cũng như việc tiêu tiền không hợp lý.
“Khi thu hồi đất và chuyển đổi nghề, người dân còn được hỗ trợ một khoản tiền sinh sống để trong thời gian, vì vậy cuộc sống sinh hoạt của người nông dân không bị xáo trộn, họ vui vẻ đến nơi mà cuộc sống đổi mới hơn trước. Cái khó khăn lớn nhất chính là nếp sống của nông dân khi chuyển thành thị dân” - trưởng ban Chu cho biết. Để tránh cho người dân dễ tiêu xài hết số tiền hỗ trợ vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, số tiền đền bù hỗ trợ trong thời gian chuyển đổi nghề chỉ được cấp phát đúng chừng mực chứ không thanh toán theo kiểu “một cục” để nông dân mang về thích mua gì thì mua.
Theo chân trưởng ban an ninh Chu, chúng tôi đến thăm nhà của những hộ dân bị thu hồi đất mà giờ đây đã trở thành những thị dân mới, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy các căn hộ vắng tanh. Trên các đường phố chỉ thấy người già và trẻ em. Vào trong ngôi nhà của một thị dân mới tên Thi chỉ thấy hai đứa trẻ đang chăm chú xem ti-vi và đọc báo. Ngôi nhà định cư của thị dân được thiết kế 3 tầng, tầng một là phòng khách, bếp và một phòng ngủ. Tầng hai và tầng ba là các phòng riêng của những thành viên trong gia đình. Tổng diện tích sử dụng khoảng 250m2 cho một gia đình. Trong ngôi nhà của thị dân Thi có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt của một gia đình trung lưu. Tiểu Hồng, con của chủ nhà cho biết, bố mẹ đi làm đến tối mới về, bố làm nghề lái taxi, mẹ làm công nhân trong nhà máy chế biến hoa quả. Đang dịp nghỉ hè nên Tiểu Hồng và em trai được ở nhà và suốt ngày xem ti-vi, chơi games. Tuy nhiên, ông Chu cũng trăn trở về vấn đề khi nông dân đang trở thành thị dân, để có nếp sống văn minh đô thị, người nông dân phải có quá trình dài.
GS.TS Đường Trung - Trưởng phòng giao lưu quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Hoa, kiêm ủy viên Ban chỉ đạo kinh tế nông lâm của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, từ khi có chính sách xây dựng nông thôn mới 2006, Nhà nước Trung Quốc đã đầu tư, hỗ trợ cho “tam nông” với tổng số tiền hơn 700 triệu nhân dân tệ. Mặc dù có thay đổi diện mạo cũng như mức sống, nhưng so với đời sống nông dân Anh, Mỹ thì vẫn còn thấp. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của chính phủ là thu nhập và tìm việc làm cho nông dân. Chính phủ đã đề ra chiến lược đến năm 2020 thu nhập của nông dân Trung Quốc sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2008 (năm 2008, thu nhập bình quân là 5.000 nhân dân tệ/người/năm). Ngoài ra, đến năm 2020 sẽ bình đẳng về y tế, giáo dục, dưỡng lão trên phạm vi toàn quốc.
“Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới với mục tiêu môi trường cảnh quan từng địa phương phải được đảm bảo truyền thống lịch sử văn hóa được giữ gìn nhưng có đời sống sinh hoạt ngang thành thị, đó là điều cốt lõi của chính sách “Tam nông” và chương trình nông thôn mới đang được thực hiện mạnh mẽ, ông Trung nói. Cũng theo ông Trung, hiện nay đối với vấn đề “tam nông”, nhà nước ít khi dùng chỉ thị mà chuyển sang thương lượng dân chủ để nông thôn phát triển tùy theo khả năng và đặc điểm riêng, nhà nước chỉ hỗ trợ bằng các dự án. Trong kế hoạch 5 năm, có đề ra 7 nhiệm vụ chính để tăng lợi nhuận cho nông dân và 32 biện pháp có lợi cho nông dân để phát triển nông nghiệp hiện đại. Có thể điểm qua một số nội dung chính của các giải pháp đó là: Nhà nước đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, ngân sách cho phát triển nông thôn tăng lên. Xây dựng một cơ chế để công nghiệp và đô thị thúc đẩy phát triển nông thôn. Sự phân phối thu nhập quốc dân sẽ được điều chỉnh để cho việc tiêu thụ thuế, đầu tư ngân sách, tài sản cố định và tín dụng sẽ tăng cho nông nghiệp và nông thôn. Hỗ trợ từ vốn nhà nước sẽ lớn và tăng liên tục. Phần lớn trái phiếu, vốn ngân sách sẽ đi về phát triển nông thôn. Đặc biệt đầu tư để cải tiến sản xuất và điều kiện sống sẽ trở thành một luồng ổn định để tăng vốn cho xây dựng. Sẽ có các quy định để đảm bảo, điều tiết thu nhập thuế đất cho việc phát triển đất nông nghiệp. Phí thu từ sử dụng đất sẽ được dùng chủ yếu vào các dự án phát triển đất nông nghiệp nhỏ và bảo vệ tài nguyên nước. Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cần cấp thiết cho đời sống nông dân. “Nếu giải quyết những vấn đề này triệt để thì chất lượng sống giữa nông thôn và thành thị không khác nhau là mấy”- ông Trung khẳng định.
Đỗ Hữu Lực
Theo baoxaydung.com.vn