Thứ bảy 18/05/2024 17:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ô nhiễm nguồn nước ngầm -  Đã đến mức báo động đỏ?

20:34 | 18/08/2021

(Xây dựng) - Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng chín nghìn người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; hằng năm có khoảng hơn 100 nghìn trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng nghiêm trọng.

o nhiem nguon nuoc ngam da den muc bao dong do
Ô nhiễm nguồn nước gia tăng đang là thách thức lớn đối với môi trường sống (Ảnh: Hànộimới)

Theo PGS.TS. Lê Kế Sơn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước dưới đất là một hợp phần quan trọng của tài nguyên nước, là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Hiện trữ lượng nước dưới đất của nước ta cung cấp từ 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước quý giá này đang bị ô nhiễm.

Cấp thiết bảo vệ nguồn nước sạch

Nguồn nước ngầm ở Việt Nam khá phong phú nhờ mưa nhiều và phân bố rộng rãi khắp nơi, tập trung vào một số tầng chứa nước chính. Trong đó 80% lượng nước dưới đất được khai thác từ các trầm tích thời kỳ Đệ Tứ, tập trung ở các đồng bằng lớn trong cả nước. Tiếp đến là các thành tạo đá cacbonnat phân bố ở Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và một số vùng khác; các lớp phong hóa tạo bazan trẻ tập trung ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ... Hiện tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc đạt gần 30 triệu m3, tổng công suất của hơn 300 nhà máy khai thác nguồn nước này vào khoảng 1,47 triệu m3/ngày. Nhưng trên thực tế các nhà máy chỉ khai thác được 60 - 70% so với công suất thiết kế. Vấn đề đáng báo động là nguồn nước dưới đất của Việt Nam đã và đang đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng, do khoan nước dưới đất thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước.

Tuy nhiên hoạt động phát triển các ngành Công nghiệp và nông nghiệp ở nước ta lớn và là nguyên nhân gây nên chất ô nhiễm trong nước ngầm. Nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Trong nước dưới đất ở nhiều khu vực cũng đã thấy dấu hiệu ô nhiễm phốt phát (P-PO4), mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng theo thời gian. Tại Hà Nội, số giếng khoan có hàm lượng P-PO4 cao hơn mức cho phép (0,4mg/l) chiếm tới 71%. Còn tại khu vực Hà Giang - Tuyên Quang, hàm lượng sắt ở một số nơi cao vượt mức cho phép Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) thường trên 1mg/l, có nơi đạt đến trên 15-20mg/l, tập trung chủ yếu quanh các mỏ khai thác sunphua.

Bên cạnh đó, việc khai thác nước quá mức ở tầng holoxen cũng làm cho hàm lượng asen trong nước dưới đất tăng lên rõ rệt, vượt mức giới hạn cho phép 10mg/l. Đặc biệt, vùng ô nhiễm asen phân bố gần như trùng với diện tích phân bố của vùng có hàm lượng amoni cao. Hiện tượng này thường thấy ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa quy định phân vùng xả thải vào thực tế sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thu hút và kêu gọi đầu tư đối với những doanh nghiệp mới. Với những doanh nghiệp đã tồn tại và đang hoạt động cũng gây ra không ít xáo trộn.

Theo nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, đây là vấn đề đáng báo động cần thiết để góp phần quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt, sạch hiện tại. Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, kết quả nghiên cứu từ 2019 đến nay cho thấy, toàn Thành phố Hồ Chí Minh không còn khu vực nào có nước ngọt sạch. Tất cả hệ thống kênh rạch nội thành chỉ còn có tác dụng tiêu thoát nước. Nồng độ các chất COD, BOD5, DO, kim loại… luôn ở mức vượt tiêu chuẩn loại B từ vài lần đến vài chục lần, thậm chí có những kênh rạch chất lượng nước còn rơi vào loại C. Đặc biệt, nồng độ vi sinh trong nước của hệ thống kênh rạch nội thành luôn ở mức chết. Nồng độ các chất ô nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa, ngoại trừ hai con kênh vừa được cải tạo là kênh Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm đã ít nhiều được phục hồi.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là chất lượng nước tại tuyến sông Sài Gòn - một trong những tuyến sông cung cấp nước chính phục vụ cấp nước sinh hoạt và hoạt động kinh tế của thành phố và tỉnh Bình Dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hiện đoạn từ cửa Rạch Tra trở lên thượng nguồn, nước sông được sử dụng để cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp với công suất 300.000m3/ngày và Nhà máy nước Thủ Dầu Một với công suất 30.000m3/ngày đều không đạt quy chuẩn cột A. Vào một số thời điểm, chất lượng nguồn nước còn ô nhiễm mức loại B. Không chỉ vậy, nguồn nước còn bị đe dọa nhiễm mặn vào mùa khô. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm lại đây, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã nhiều lần cảnh báo nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Cần phân vùng xả thải

Nguy hại nhất là lượng nước thải từ các bãi rác, khu công nghiệp, giao thông thủy và sự gia tăng lan truyền ô nhiễm liên tỉnh. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, để có thể cải thiện cũng như bảo vệ nguồn nước cho tương lai, ngoài việc gia tăng thanh kiểm tra, xử phạt những đơn vị đang gây ô nhiễm cho môi trường, nhất thiết phải có quy hoạch vùng xả thải.

Việc quy hoạch vùng cũng giúp các doanh nghiệp mới đầu tư có sự tính toán hợp lý hơn giữa vị trí xây dựng nhà máy đầu tư, công nghệ và loại hình sản xuất cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu mức độ xả thải của các cơ quan quản lý. Mặt khác, với những doanh nghiệp đang tồn tại hiện hữu cũng có sự cải thiện cho phù hợp với quy định mới.

GS.TS Lê Thanh Hải Bí thư Đảng uỷ - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài Nguyên cho biết thêm, qua kết quả nghiên cứu chất lượng nước cũng như nhu cầu sử dụng nguồn nước trên hệ thống kênh rạch và sông thuộc địa bàn thành phố cho thấy, cần thiết phải xác lập vùng tiếp nhận nước thải là loại A nếu nguồn nước đó hiện đang khai thác và sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bất chấp quy mô khai thác mang tính tập trung hay phục vụ đơn lẻ cho từng hộ gia đình.

Ngoài ra, do đặc thù chế độ thủy văn trên sông, kênh rạch ở thành phố là chế độ bán nhật triều, mỗi ngày có 2 lần triều lên và xuống, để đảm bảo an toàn cho vùng nước loại A cần tính đến thêm vùng đệm dài khoảng 10 - 15km tính từ điểm tiếp giáp với vùng nước cấp phục vụ sinh hoạt trở xuống phía hạ lưu. Theo đó, nguồn nước thải ra vùng đệm này cũng phải loại A để tránh tình trạng thủy triều đẩy nước kém chất lượng lên vùng nước cấp phục vụ sinh hoạt.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc phân vùng xả thải tuy ít nhiều tạo ra sự xáo trộn trong hoạt động đầu tư, sản xuất của thành phố, song đây là giải pháp cần thiết để tạo cơ sở rõ ràng hơn cho các cơ quan chức năng quản lý xả thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn vùng nước sạch nào. Nếu tình trạng trên không được khắc phục bằng cách quy định rõ loại nguồn thải được phép xả thải ở các vùng khác nhau thì đến bao giờ chúng ta mới có thể cải thiện và duy trì bảo vệ nguồn nước sạch?”.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load