Thứ sáu 03/01/2025 02:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Ô nhiễm môi trường tại nhiều khu dân cư ở TP.HCM

06:00 | 09/07/2015

(Xây dựng) - Người dân ở một số vùng ngoại thành TP.HCM đang hàng ngày chịu đựng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư.


Một cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM xả mùi khó chịu. Ảnh: VGP/Bình Tân

Nhiều nơi ô nhiễm

Trên địa bàn khu phố 4 và khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM có nhiều cơ sở dệt, nhuộm thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường. Nguồn nước thải đổ ra kênh Tham Lương có đủ màu từ tím, đỏ, xanh và thậm chí là nổi sánh trên mặt nước bốc mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, để tiết kiệm chi phí nên nhiều cơ sở ở đây sử dụng vỏ hạt điều làm nguyên liệu đốt lò hơi. Khi đốt loại vỏ này sẽ phát sinh mùi khét, bụi bay theo chiều gió vào các nhà dân trong vùng.

Bà Lê Thị Thắm, ngụ đường Nguyễn Văn Quá, khu phố 5, cho biết, thời gian các cơ sở hoạt động mạnh nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối từ thứ Hai đến thứ Bảy, đi trên đường Nguyễn Văn Quá, chúng tôi liên tục ngửi mùi khét nồng nặc, khó chịu. “Có nhiều trẻ em trong khu phố bị hen xuyễn, thậm chí là viễm phế quản” - bà Thắm cho hay.

Tương tự, khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Tây, quận 7, người dân ở đây cũng “mất ăn mất ngủ” về mùi hôi thải ra từ một số công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên đường Nguyễn Văn Quỳ. Thời điểm mùi phát sinh nhiều nhất là từ 20-22 giờ hàng ngày với đủ loại mùi trái cây, sữa đậu nành và nhiều lúc nồng nặc như mùi thuốc trừ sâu. Theo người dân, khi ngửi phải mùi này thì cơ thể có cảm giác nôn, đau đầu và không muốn ăn uống. Một số gia đình không chịu nổi mùi này đã phải bán căn hộ chung cư chuyển đi nơi khác ở.

Cùng chung cảnh ngộ, người dân khi lưu thông qua cầu Bình Lợi thường xuyên hít phải mùi khét từ Xí nghiệp Casumina Bình Lợi, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Trong nhiều ngày đi qua đây vào buổi tối, chúng tôi ghi nhận khói bay ra từ các ống khói trong xí nghiệp này có mùi khét, rất khó chịu. Qua tìm hiểu, xí nghiệp này đang nằm trong diện phải di dời khỏi khu dân cư vì không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường.

Giải pháp xử lý dứt điểm

Theo UBND quận 12, từ tháng 5/2014 đến nay, quận liên tục kiểm tra các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư ở khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận vì tình hình ô nhiễm tập trung nhiều ở khu vực này. Quận 12 đã lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP.HCM xử lý 9 trường hợp, trong đó có 3 cơ sở thuộc diện cấm hoạt động. Hiện khu vực khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Hưng Thuận vẫn còn 23 cơ sở đang hoạt động.

Bên cạnh kiểm tra, xử phạt, buộc đình chỉ hoạt động, quận 12 đã kiến nghị UBND TP.HCM về chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào khu công nghiệp. Tháng 3/2015, Thành phố đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tại khu phố 4, 5 vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Đến ngày 20/5/2015, quận đã triển khai thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm theo chủ trương của TP.HCM. Kết quả, 16 cơ sở đồng ý di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, các cơ sở còn lại cam kết tự di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Quyết định 200/2004/QĐ-UB của UBND TP.HCM về công bố danh mục các ngành nghề sản xuất kinh doanh không cấp mới giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong khu dân cư đã giúp TP.HCM hạn chế được các cơ sở ô nhiễm trong nội thành.

Với những cơ sở do tồn tại trước đây phải tìm nơi sản xuất mới ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, các khu dân cư mới lại dần hình thành bên cạnh các cơ sở sản xuất.

Để hạn chế những bất cập trên, tháng 2/2015, TP.HCM đã bãi bỏ quyết định 200/2004/QĐ-UB do nội dung không còn phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn theo Luật Bảo vệ môi trường.

Hiện các sở, ngành TP.HCM đang khẩn trương xây dựng quy hoạch các ngành nghề. Đồng thời, rà soát các quy định về quy hoạch ngành nghề hạn chế kinh doanh để tham mưu UBND Thành phố công bố quy hoạch và hướng dẫn các quận, huyện quản lý, kiểm tra. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, công khai quy hoạch, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về môi trường sau đăng ký kinh doanh.

Bình Tân/Chinhphu.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load