Sau hơn một năm khởi công, một số ống hầm đã hình thành trên công trường hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Dự án đạt gần 30% khối lượng, dự kiến thông xe cuối năm 2022.
Hầm chui Lê Văn Lương thành hình sau hơn một năm Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 (Hà Nội) dự kiến được thông xe vào quý IV năm 2022, với 10 làn xe.
Hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 là dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng giải quyết trình trạng ùn tắc cho khu vực phía tây Hà Nội. Dự án được khởi công từ tháng 10/2020.
Sau hơn một năm khởi công xây dựng, một số đoạn hầm đã được thành hình trên đại công trường trị giá hơn 700 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án dài 475 m. Trong đó phần hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m. Đến nay, dự án đạt tiến độ gần 30% tổng khối lượng thi công.
Ở phía đường Tố Hữu, đơn vị thi công đã hoàn thành việc đào đoạn hầm hở dẫn vào hầm chính và xén vỉa hè 2 bên để mở rộng lòng đường. Nhà thầu thi công theo hình thức cuốn chiếu. Khoảng 1/3 đoạn hầm hở phía đường Tố Hữu đã hoàn thành phủ các lớp chống thấm, chuẩn bị đổ lớp bê tông bệ hầm.
Sau khi phủ lớp bê tông nền, các tấm vật liệu đặc chủng màu trắng được công nhân phủ ở bề mặt có tác dụng chống thấm, ngăn không cho nước xâm nhập vào các kết cấu hầm. Sau đó, nhà thầu sẽ đổ một lớp bê tông dày 1 mét tạo thành kết cấu bệ cho hầm. Dự kiến việc đổ bê tông từ ngày 20/1.
Tại những điểm cọc bê tông không thể phủ lớp chống thấm, các công nhân sẽ phủ bằng các dây cao su trương nở trên chu vi cọc. Đại diện nhà thầu cho biết loại cao su này giúp ngăn nước xâm nhập vào các kết cấu bệ hầm. Khi gặp nước, loại cao su này có thể nở ra gấp 2-3 lần so với trạng thái thông thường.
Ở hạng mục hầm kín (hầm chính), nhà thầu đang thi công 2 phương án: Ép cọc Jet Grouting để gia cố nền đất yếu và ép các cọc làm tường vây.
Cọc ván thép dài 12 m được ép xuống lòng đất tạo thành khung vây. Ngoài ra, các máy ép cọc Jet Grouting sẽ khoan sâu tới 22 m so với đáy hầm để phun hỗn hợp vữa xi măng, gia cố nền do địa chất khu vực đa phần là đất pha cát và cát mịn. “Công tác thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao”, chỉ huy công trường nói.
Đến nay, 92% số cọc Jet Grouting và 55% số cọc tường vây đã được hoàn thành. Sau khi hoàn thành ép cọc tường vây xung quanh, nhà thầu sẽ đào hầm kín.
Phần hầm kín của dự án nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nút giao có 3 tầng xe chạy. Trước hầm chui Lê Văn Lương, Hà Nội đã hoàn thành hầm chui Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân qua đường Vành đai 3. Tương lai, thành phố tiếp tục đầu tư 2 hầm chui qua trục đường này gồm: Hầm Cổ Nhuế (kết nối trục Tây Thăng Long) và hầm Hoàng Quốc Việt (kết nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài).
Bên cạnh phần hầm kín là khu vực trạm bơm thoát nước với kết cấu 3 tầng. Tầng 1 là khu vực tiếp nhận nước, tầng 2 là trạm bơm và tầng 3 là khu vực lọc nước trước khi đổ ra môi trường. Theo đại diện nhà thầu, các máy bơm tại đây có công suất cao. Khi nước dâng lên mức nhất định, máy bơm sẽ tự động kích hoạt.
Trong khi đó, phần hầm hở phía đường Lê Văn Lương mới được thi công cách đây 2 tuần. Các máy xúc đang cào bóc lớp mặt đường cũ để chuẩn bị thi công.
Để phục vụ thi công dự án, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và đoạn ngược lại được rào chắn.
Đại diện nhà thầu cho biết có 3 ca thi công liên tục trong ngày để đảm bảo tiến độ dự án được hoàn thành vào tháng 10/2022.
Sau khi hoàn thành, trục Tố Hữu - Lê Văn Lương sẽ có 10 làn xe, bao gồm 4 làn của hầm chui và 6 làn đường song hành. Ảnh: Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.
Hầm chui Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội (màu đỏ). Ảnh: Google Maps.
Theo Hồng Quang - Đức Anh/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/nut-giao-3-tang-le-van-luong-hon-700-ty-dong-dan-thanh-hinh-post1289588.html