Thứ ba 07/05/2024 16:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”

15:58 | 27/12/2023

(Xây dựng) – Dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi tư duy làm nông nghiệp, nông dân xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã góp phần cùng địa phương tạo dựng nên một diện mạo nông thôn mới thực chất, hiệu quả. “Trái ngọt” từ việc “chịu chơi” của nông dân đưa Xuân Trường vào top những địa phương đi đầu của tỉnh về lĩnh vực phát triển sản xuất trong thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Cánh đồng hoa lay-ơn tại ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường còn khoảng 1 tháng nữa sẽ cho hoa bán vụ Tết Âm lịch.

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Những ngày cuối năm 2023, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có mặt tại cánh đồng cây Me, ấp Trung Sơn để ghi nhận không khí sản xuất của bà con nông dân xã Xuân Trường. Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm này, bà con nông dân ở đây chỉ trồng một loại cây duy nhất, đó là hoa lay-ơn.

Từ sáng sớm, ông Tòng Văn Út (63 tuổi) cho biết, từ đây cho đến lúc thu hoạch, người trồng hoa lay-ơn phải thường xuyên đi thăm đồng. “Cây này dễ trồng nhưng cũng dễ sâu bệnh, đặc biệt củ hay bị thối, lá bị nấm dễ khiến cây chết yểu. Vì vậy, mình phải đi thăm cây thường xuyên, thấy cây sâu bệnh là nhổ bỏ liền để tránh lây lan cho các cây khác”.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Ông Tòng Văn Út, người dân tộc Chơ-ro đi thăm vườn lay-ơn của gia đình.

Với ông Út, tư duy làm nông nghiệp để có ăn nay đã không còn mà thay vào đó là làm để có dư, có thêm. Theo ông Út, trước đây, đồng bào không dám bỏ ra số tiền lớn để mua giống, nhưng từ khi nắm bắt được thị trường hoa Tết, được hướng dẫn kỹ thuật, chọn giống nên bà con rất “chịu chơi” đầu tư. Năm nay, gia đình ông Út trồng hơn 1.000m2 diện tích hoa lay-ơn, chủ yếu là giống đỏ mới.

“Năm ngoái thu được khoảng gần 80 triệu. Năm nay, hy vọng sẽ được giá cao hơn. Thương lái họ đều đã đặt hàng cho mình rồi”, ông Út phấn khởi và cho biết thêm, không chỉ ông mà nhiều gia đình dân tộc Chơ-ro trong ấp đều trông đợi thu nhập vào vụ hoa Tết.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Ông Nguyễn Xuân Mạnh, trưởng ấp Trung Sơn trao đổi với ông Tòng Văn Út về kỹ thuật trồng hoa lay-ơn.

Còn ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng ấp Trung Sơn khẳng định, hoa lay-ơn chính là loại cây mang lại nhiều đổi thay về tư duy làm nông nghiệp cho bà con nơi đây, đặc biệt là cộng đồng đồng bào dân tộc Chơ-ro. “Trồng hoa lay-ơn đã có từ cách đây hơn 30 năm. Ngày trước, bà con trồng đại trà, không có phương pháp nên chất lượng hoa không đẹp, không đáp ứng được thị trường. Nay được các cấp hướng dẫn kỹ thuật, chọn giống nên chất lượng hoa năm sau thường tốt hơn năm trước, nhờ vậy, hoa được giá, thu nhập cũng cao hơn. Có nhà thu được tiền trăm, tiền tỷ cho một vụ hoa Tết”, ông Mạnh nói.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Lão nông Nguyễn Dũng kiểm tra từng trái xoài để chuẩn bị xuất bán cho vụ Tết Âm lịch.

Cách đó không xa, mô hình trồng xoài Cát Hòa Lộc trái vụ của lão nông Nguyễn Dũng (ấp Trung Tín) cũng được biết đến với nhiều thành công trong việc “chịu” đổi mới về tư duy làm nông nghiệp kỹ thuật cao.

Ông Nguyễn Dũng được biết đến là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng xoài của huyện Xuân Lộc, khi dám nghĩ đến chuyện ghép cải tạo giống xoài Cát Bưởi với xoài Cát Hòa Lộc. Ông cũng là người đi đầu về việc trồng xoài trái vụ tại địa phương (chủ yếu ra trái bán vào dịp Tết âm lịch). “Tết vừa rồi, tôi thu hoạch được gần 5 tấn, giá thương lái mua tại vườn bao tiêu là 50.000 đồng/1kg, cao gấp đôi so với vụ mùa. Năm nay thời tiết thuận lợi, hy vọng năng suất tốt hơn, giá cũng tốt hơn”, ông Dũng mong mỏi.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Theo lão nông Nguyễn Dũng, việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp giúp cây xoài Xuân Trường có giá trên thị trường.

Hiện nay, nông dân trồng xoài ở xã Xuân Trường phần lớn là canh tác trái vụ. Để phát triển bền vững, dưới sự hỗ trợ của các cấp, ông Dũng cùng nhiều nông dân đã thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường. Việc chuyên canh xoài trái vụ vừa cho thu nhập cao, vừa tạo được sản phẩm đặc thù địa phương. “Xoài Cát Hòa Lộc của xã Xuân Trường không chỉ bán ra thị trường trong tỉnh mà còn được thương lái mua thông qua các kênh trung gian để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc” - ông Dũng vui mừng.

Cũng là sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, mô hình “đa cây trồng” của Công ty Trang Trại Việt (ấp Gia Hòa) do ông Trần Quang Tính làm chủ cũng được các cấp đánh giá cao về sản xuất nông nghiệp hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay về lĩnh vực an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Từ trái dưa lưới, cà chua, ớt chuông đến các loại rau ăn lá đều được áp dụng sản xuất theo mô hình khép kín đạt chuẩn GlobalGAP (đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao). Cụ thể, cây được trồng trong nhà màng, sử dụng 100% phân hữu cơ vi sinh, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với diện tích canh tác khoảng 6ha, mỗi năm doanh thu của Trang trại Việt đạt trên 6,5 tỷ đồng.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp, giúp diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Xuân Trường đi vào thực chất, hiệu quả.

“Các sản phẩm rau, quả sạch đều được đưa về cửa hàng của công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh để bán và khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng muốn đặt hàng xuất khẩu. Mục tiêu tôi làm hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính là để xây dựng thương hiệu cũng như mở rộng thị trường trong nước”, ông Tính hồ hởi.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Vườn hoa lay-ơn của bà con cộng đồng dân tộc Chơ-ro giờ được tưới tiêu bằng hệ thống tự động.

“Trái ngọt” nông thôn mới

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Đinh Văn Bình cho hay, khoảng 5 năm về trước, sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là về trồng trọt chưa có nhiều thành tựu. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 90%, xã Xuân Trường có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Chính quyền xã luôn đau đáu làm sao để người nông dân ngoài việc làm nông nghiệp còn phải thay đổi về tư duy, cách làm, có như vậy mới đưa trồng trọt “lên ngôi” và dám bước ra thị trường để cạnh tranh một cách công bằng nhất.

Nông thôn mới khởi sắc nhờ nông dân “chịu chơi”
Cánh đồng hoa lay-ơn tại ấp Trung Sơn nhìn từ trên cao.

Xác định để đạt được giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, các cấp chính quyền từ xã đến ấp đã có những chỉ đạo điều hành sâu sát, bên cạnh các chủ trương, đường lối là việc vận dụng vào điều kiện thực tế sản xuất của người dân. “Những năm gần đây, chính quyền xã đã hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng đất đai nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt là chỉ đạo các ấp phối hợp với Hội Nông dân xã tiến hành rà soát diện tích cây trồng chuyển đổi từ cây tiêu sang một số loại cây trồng khác để nắm bắt nhu cầu và định hướng hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật chăm sóc trên các loại cây đã chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Bình nói.

Đề cập đến yếu tố thành công từ nhiều mô hình nông nghiệp trồng trọt, ông Bình cho rằng, người dân vẫn đóng vai trò chính yếu và là chủ thể đưa lĩnh vực sản xuất nông nghiệp địa phương lên tầm cao mới. “Đó là những người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số thường xuyên vận động đồng bào thay đổi tư duy, cách làm để bây giờ có những cánh đồng hoa lay-ơn chất lượng, được mùa, được giá như lão nông Nguyễn Dũng; chủ doanh nghiệp Trang trại Việt... Đây đều là những điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh và khẳng định từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đến nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã có nhiều thay đổi và khởi sắc. Trong đó, lĩnh vực phát triển sản xuất mà nông nghiệp là chủ lực đã để lại những dấu ấn quan trọng cho địa phương. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà một số mô hình sản xuất nông nghiệp của xã còn được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm, nhân rộng.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Trường đã đạt được một số kết quả quan trọng như: 100% tuyến đường huyện, đường xã, đường trục ấp, đường trục chính nội đồng được bê tông, nhựa hóa và cứng hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn xóm, đường ngõ xóm, với chiều dài gần 30km, đạt 100%. Đến nay, không còn nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản. Lĩnh vực văn hóa - giáo dục được quan tâm và đóng góp mạnh vào sự nghiệp giáo dục của địa phương, nhiều năm liền được công nhận phổ cập các cấp, vẫn tiếp tục duy trì công nhận phổ cập trung học phổ thông, trình độ văn hóa của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, kết quả có 4/4 trường học được công nhận, thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%; 8/8 ấp có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn quy định, đạt 100%. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo đạt kết quả tốt, không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 90% (đến ngày 30/6/2023)... Với những kết quả đạt được, xã Xuân Trường tiếp tục nỗ lực để giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Thìn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load