Thứ bảy 27/04/2024 02:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nỗi buồn xếp hạng nhà vệ sinh

14:24 | 06/02/2023

Mỗi năm tôi đi tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai vài lần. Từ Hà Nội, sau khoảng 2 giờ thì xe đến trạm dừng nghỉ và như nhu cầu của hầu hết mọi người, tôi vào nhà vệ sinh.

Sẽ không có gì đáng nói nếu hầu hết nhà vệ sinh của các trạm dừng nghỉ dọc tuyến cao tốc này đều không được sạch sẽ, luôn sặc mùi xú uế. Có chỗ sàn luôn ướt nhẹp, có chỗ bồn vệ sinh hỏng vòi bọc túi nilon, có chỗ thì khu rửa tay két đen… Mọi người đều chỉ nhanh chóng giải quyết nỗi buồn của mình rồi đi ra ngoài ngay.

Ngay cửa ra vào khu vệ sinh có một hòm đựng tiền và một người ngồi bên nhắc nhở những ai quên bỏ từ 2.000 đến 5.000 đồng vào chiếc hòm đó.

Vì ấn tượng xấu với nhà vệ sinh các trạm dừng nghỉ, gần đây khi mỗi khi lên Lào Cai, tôi thường cố chạy xe thẳng một mạch vì không muốn vào những nơi như vậy.

Dĩ nhiên, không ai từ chối đi vệ sinh vì phải mất 2.000 đồng hay 5.000 đồng. Vấn đề là nhà vệ sinh phải đảm bảo vệ sinh chứ không phải là nơi chỉ cốt để thu tiền của mọi người mà không cần biết bên trong xấu bẩn ra sao. Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là một trong những tuyến giao thông quan trọng, được nhà nước đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng. Các trạm dừng nghỉ cũng đã được tính toán vị trí sao cho hợp lý, để trở thành nơi nghỉ ngơi, ăn uống, phục vụ người dân và khách du lịch tốt nhất, chứ không phải chỉ mang lại lợi ích cho đơn vị quản lý trạm. Ấy vậy mà nhìn vào tình trạng nhà vệ sinh của các trạm dừng nghỉ nơi đây thì khó có thể nói du khách cảm thấy thoải mái khi dừng xe nghỉ ngơi.

Lỗi ngụy biện phổ biến khi nói về tình trạng các nhà vệ sinh mất vệ sinh là… đổ lỗi cho khách thiếu ý thức. Nhưng thật may, đã có nhiều nghiên cứu về thói quen giữ vệ sinh của người dân. Cùng một người, bước vào toilet khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại hay sân bay, họ sẽ có ý thức vệ sinh, không khạc nhổ, không bừa bãi. Nhưng khi vào toilet mà sàn ướt sũng nước, mùi xú uế bốc lên…, thì kết quả là không ai còn nghĩ đến chuyện giữ vệ sinh chung mà chỉ muốn nhanh chóng ra ngoài.

Tất nhiên nhà vệ sinh ở các khách sạn, sân bay, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại… không tự nhiên mà sạch sẽ. Được như vậy trước hết là sự quan tâm của chủ quản lý và việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Khi nhà vệ sinh sạch sẽ thì tự nhiên ý thức người dùng cũng nâng lên.

Khác với các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, có dịp qua một số trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, tôi không thấy ai ngồi thu tiền song các nhà vệ sinh ở đây sạch sẽ hơn nhiều. Hay như trạm dừng nghỉ ở Thái Nguyên tôi mới có dịp ghé qua sau Tết, nhà vệ sinh miễn phí và cực sạch sẽ, khô ráo, thậm chí có cả đèn tinh dầu.

Cuối năm vừa rồi tôi có dịp du lịch ở Đài Loan. Điều khiến tôi ngạc nhiên là trạm dừng nghỉ ô tô của họ được đầu tư bài bản như một trung tâm thương mại thu nhỏ. Bên trong là các khu nhà hàng ăn uống, cà phê, mua sắm nhộn nhịp; còn khu nhà vệ sinh thì hiện đại, sạch sẽ và thoáng mát. Những trạm dừng chân như vậy đã trở thành một nơi quảng bá hình ảnh địa phương, nơi bán hàng cho người dân và khách du lịch, mang lại trải nghiệm tích cực.

Mới đây, một khảo sát của QS Supplies (tổ chức tại Anh, được hãng Nikkei Asia dẫn lại) đã xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới. Theo đó, điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TPHCM xếp vị trí không thể tệ hơn, chỉ đứng trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.

Khảo sát này nêu nhận định đường phố TPHCM có những thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh. Tương tự như vậy với Hà Nội là thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng rất tệ đối với du khách.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt du khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này sẽ là sự nỗ lực lớn của toàn ngành, nhưng nhìn vào còn số thì vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử Thái Lan đặt mục tiêu năm 2023 thu hút 25-30 triệu lượt khách quốc tế.

Các nhà chuyên môn đã phân tích nhiều nguyên nhân vì sao du lịch nước ta khó cạnh tranh với Thái Lan, trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện nhà vệ sinh công cộng. Xin đừng để "tư duy đếm tiền lẻ" ở khu nhà vệ sinh trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai làm lấm lem bộ mặt du lịch nước nhà.

Theo Nguyễn Quyết/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load