(Xây dựng) - Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần thứ 2 lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, DN và người dân về dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Trong đó, về sản xuất phôi thép, đến năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn. Có nghĩa là ở trên biểu đồ, hình mũi tên cứ chổng ngược lên như sắp đâm thủng bầu trời.
Điều đáng quan tâm ở chỗ, trong dự thảo này, một trong những ưu tiên phát triển sản xuất thép là tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường.
Đến đây thì sự lo ngại bắt đầu phát sinh vì nỗi ám ảnh của việc gây ô nhiễm môi trường trong vụ Nhà máy thép Formosa. Cả một vùng biển phía Bắc miền Trung dài hàng trăm ki-lô-mét bị ô nhiễm đến bây giờ còn đang khắc phục, mà nay lại “ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển” thì quả là khó có thể chấp nhận.
Hẳn mọi người còn nhớ bài viết của bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, đăng trên VietnamFinance nhân câu chuyện dự án thép Hoa Sen Cà Ná, trong đó có đoạn viết: “Không hiểu, không hiểu, tôi không hiểu nổi, vậy là “định mệnh” dân tộc mình phải chọn thép, mà phải xây ngay bờ biển, mà khi thị trường thừa, khi ai cũng biết thứ công nghiệp đại ô nhiễm này chắc chắn tàn phá toàn vùng biển quanh nó, nên Formosa 1 chưa yên, lập tức mọc ra Formosa 2 Hoa Sen Cà Ná? Kiếp nạn gì vậy, và sao lại là Hoa Sen?”.
Quả là “cú sốc” Formosa đã gây ra một sự hiểu lầm rất đáng tiếc là cứ sản xuất thép sẽ tất gây ra thảm họa môi trường, đặc biệt là với môi trường biển. Và vì thế, việc Bộ Công Thương vừa công bố bản dự thảo kế hoạch nêu trên chắc chắn gặp không ít những phản biện thiếu khích lệ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại khuyên rằng, sản xuất thép và thảm họa môi trường là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, bởi nhiều nước trên thế giới vẫn sản xuất thép mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Trên thế giới, ngay tại các nước OECD như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, và châu Âu, hiện vẫn đang có nhiều dự án phức hợp luyện cán thép có công suất và sản lượng lên tới hàng chục triệu tấn/năm như ArcelorMittal (97 triệu tấn năm 2015), Nippon Steel and Sumitomo Metal (46 triệu tấn), POSCO (42 triệu tấn), JFE Steel (30 triệu tấn), Hyundai Steel (20 triệu tấn), Nucor (20 triệu tấn), ThyssenKrupp (17 triệu tấn), US Steel (15 triệu tấn)…
Cho nên, vấn đề quan trọng là hệ thống kiểm soát. Còn nếu cứ “ọp ẹp” như vừa rồi thì bờ biển càng dài sẽ kéo theo nỗi lo càng lớn mà thôi!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo