Thứ sáu 29/03/2024 08:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những thói quen khó bỏ của người đi bộ sang đường

11:21 | 02/07/2020

(Xây dựng) – Tại các thành phố lớn, trong đó có thành phố Hà Nội đã dành một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ, nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người đi bộ thiếu ý thức, vẫn vô tư băng qua đường, vượt dải phân cách dù cầu vượt đi bộ, hầm chui chỉ có vài trăm mét, thậm chí vài m, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của các phương tiện trên đường.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 50 cầu vượt bộ hành, trong số đó có không ít cầu vượt đầu tư thêm hệ thống mái che hiện đại, cùng với đó khoảng 30 hầm dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều tuyến đường, mặc dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại dành cho người đi bộ sang đường như: Kẻ vạch sơn, lắp biển báo, xây dựng cầu vượt, đèn tín hiệu… nhưng nhiều người đi bộ vẫn chưa từ bỏ thói quen rẽ ngang, đi sang đường không đúng quy định.

Ghi nhận tại cầu vượt bộ hành trước cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Xuân Thủy, Cầu Giấy), nhiều người vẫn bất chấp băng sang đường với thái độ thờ ơ mà không nhìn hướng xe lưu thông. Trong khi đó, tại cầu vượt dành cho người đi bộ nằm ngay cạnh đó thì lại rất ít người đi. Đoạn đường này cũng nằm trong những những điểm nóng vì có mật độ giao thông cao.

Cũng cách đó khoảng hơn 100m, dù đã được ngăn cách bởi hàng cây xanh, đường dây thép, nhưng người đi đường vẫn bất chấp leo qua không đúng quy định.

nhung thoi quen kho bo cua nguoi di bo sang duong
Người dân vô tư rẽ ngang qua đường trên lối trồng cây xanh.

Cũng tại nút giao Phạm Hùng, cạnh bến xe Mỹ Đình, nơi có mật độ phương tiện lưu thông cao. Tuy vậy vẫn có bộ phận không nhỏ người dân vẫn chọn cách băng qua đường để sang đường, dù hầm đi bộ cách đó chỉ khoảng 10m.

Lý giải về hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhiều người biện minh, do cầu vượt đi bộ cách xa điểm cần đến nên dù biết đi qua đường như vậy nguy hiểm, nhưng họ vẫn lựa chọn cách đi đó cho tiện di chuyển.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc người dân không “mặn mà” với cầu vượt, hầm đi bộ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao, sự hiểu biết của người dân về quy định xử phạt với hành vi đi bộ sai quy định còn chưa rõ, mức phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.

nhung thoi quen kho bo cua nguoi di bo sang duong
Không những gây ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển của các phương tiện giao thông, thói quen đi bộ sai đường còn tiền ẩn nhiều nguy hiểm về tai nạn.

Do đó, để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, cùng với công tác cải tiến hạ tầng giao thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng với chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người đi bộ. Đồng thời, chấm dứt tình trạng phương tiện, quán nước lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chỉnh trang lại hệ thống đèn tín hiệu, biển báo vạch kẻ đường…

Thảo Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load