Thứ sáu 26/04/2024 20:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những nỗi sợ ngày Tết

08:57 | 18/01/2023

Những ngày này, hễ nghe hàng xóm khởi động dàn karaoke và thử giọng "alô alô…" là cả nhà tôi lại nhìn nhau cười. Ai cũng tự hiểu, hàng xóm sẽ tổ chức tiệc tùng, "văn nghệ tại gia" có khi kéo dài đến tận khuya. Ngày thường, nhiều khi thấy họ hát khuya quá hoặc mở nhạc lớn quá, tôi cũng có nhắn tin hay qua góp ý. Nhưng những ngày này thì chịu, có góp ý họ cũng bảo "Tết mà…".

Câu nói "Tết mà…" được sử dụng riết từ 23 tháng Chạp cho tới tận ngày rằm tháng Giêng, không chỉ riêng chuyện tra tấn âm thanh. Ăn nhậu thả ga, say xỉn vẫn chạy xe ra đường, cờ bạc, đá gà… và biết bao tệ nạn khác đều được bao biện bằng "Tết mà…".

Năm nào báo chí cũng đăng số vụ tai nạn giao thông tăng mạnh trong những ngày Tết. Nhưng tôi để ý nhiều người ở quê tôi dường như không biết sợ, ngày Tết ăn uống nhậu nhẹt say sưa rồi họ vẫn chạy xe đi khắp nơi bất chấp có thể gây nguy hiểm cho người khác và chính mình. Đó là chưa kể đến chuyện gây gổ đánh nhau, đâm chém gây mất mát tình làng nghĩa xóm do chuyện ăn nhậu quá đà, do hát hò ồn ào dịp Tết.

Phải chăng người ta có tâm lý "buông thả" trong những ngày Tết? Tôi không dám nói tất cả nhưng rất nhiều người coi Tết là dịp… xả láng sau một năm làm lụng vất vả. Suy nghĩ này có thể hiểu được, tuy nhiên khi niềm vui đi quá đà lại trở thành nỗi buồn, gây ra các vấn nạn ám ảnh trong những ngày đáng lẽ ai nấy đều được vui mừng đón năm mới.

Ai cũng biết, ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa thiêng liêng với người Việt Nam, đặc biệt là những ngày đầu năm mới, vậy nên chúng ta thường tránh nặng lời với nhau. Tết cũng là lúc đất trời vạn vật chuyển từ đông sang xuân, tiết trời dễ chịu khiến con người trở nên vui vẻ, bao dung hơn. Các bà vợ thấy chồng mình có uống quá chén một chút cũng thông cảm. Cha mẹ có thấy con cái đi chơi về trễ một chút cũng bỏ qua. Và chúng ta có nghe thấy nhà hàng xóm hát hò vui vẻ thì cũng kệ họ chớ không phàn nàn như ngày thường.

Chén rượu, câu hát ngày xuân nếu chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định thì là văn hóa tốt đẹp, còn khi vượt quá giới hạn lại có thể gây ra hệ lụy khó lường. Vì vậy, lời biện minh "Tết mà…" cho những việc đi quá giới hạn, thậm chí vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được. Có nhiều lý do dẫn đến kiểu biện minh này, trong đó, tôi cho rằng ít nhiều xuất phát từ tâm lý tiểu nông.

Tâm lý tiểu nông là tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ, với truyền thống đón Tết thường rơi vào thời điểm nông nhàn, mùa màng thu hoạch xong hết, nên người dân có nhiều thời gian để vui chơi, giải trí, thậm chí là xả hơi cả tháng vì "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Các lễ hội văn hóa cũng thường diễn ra vào dịp đầu năm, nên người dân tha hồ "ăn Tết, chơi Tết" cho đến hạ niêu hoặc hết tháng giêng. Đến thời hiện đại, xã hội đã thay đổi song tâm lý "ăn Tết xả láng" vẫn còn ảnh hưởng khá đậm nét đối với không ít người dân và họ biện minh sự " xả láng" đó cho… ngày Tết.

Mặt khác, nhiều người tin rằng, hễ làm điều gì vào đầu năm thì cả năm cũng sẽ được như thế. Chính vì vậy, đầu năm người ta thường chỉ ăn chơi, với mong muốn cả năm cũng sẽ được ăn chơi chớ không phải làm lụng vất vả. Thậm chí, nhiều khi ruộng lúa bị sâu bệnh người ta cũng không thèm phun xịt, đợi qua cái Tết rồi tính sau. Một số người không thèm quét nhà trong mấy ngày Tết, vì sợ cái may mắn bị "trôi đi", và cũng vì không muốn làm động móng tay trong những ngày này. Một số công nhân khi ăn Tết chưa xong mà công ty có khai trương cũng không thèm trở lại làm việc, đến khi quay lại thì bị công ty sa thải, phải tìm công việc khác. Chính vì tâm lý ngày Tết chỉ ăn chơi chớ không cần làm gì nên đôi khi dẫn đến bê trễ công việc, tiêu hao tài sản.

Đó là những nốt trầm trong bản nhạc xuân vui tươi. Dĩ nhiên chẳng ai trong chúng ta mong muốn điều đó. Bởi vậy, trong những ngày xuân, mỗi người hãy luôn biết dặn lòng "vui có chừng, dừng đúng lúc".

Theo Trương Chí Hùng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load