Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2014, PGS. TS Lưu Đức Hải có bài viết về các nữ danh kỳ đầu tiên của ngành Xây dựng trong lịch sử cờ Vua Việt Nam, với lời chúc mừng tốt đẹp nhất gửi đến các kỳ thủ nữ ngành Xây dựng và trên toàn quốc, luôn thành công với sự nghiệp của mình.
1. Vũ Thị Quỳnh (Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội) - Đấu thủ nữ đầu tiên đoạt ngôi vô địch Giải cờ Vua nữ Hà Nội (1982)
Năm 1975 tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Giải (tập huấn) cờ Vua lần đầu tiên, tuy nhiên không có đấu thủ nữ nào tham dự giải này. Bảy năm sau, Hà Nội đã tổ chức Giải vô địch cờ Vua nữ lần đầu tiên, diễn ra từ ngày 2 - 16/9/1982.
Tham dự giải này bao gồm 8 đấu thủ nữ đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, đó là: Vũ Thị Quỳnh (Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội), Nguyễn Anh Thư (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) và 6 đấu thủ nữ của Bộ Xây dựng là Phạm Thị Hòa, Lê Minh Phương, Bạch Thị Bính, Bùi Thị Kim, Nguyễn Thị Tuấn Anh (Viện Kinh tế xây dựng) và Đỗ Tú Lan (Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn) (Hình 1).
Sau khi thi đấu vòng tròn một lượt giữa 8 đấu thủ, kết quả như sau:
Nhất: Vũ Thị Quỳnh (Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội); Nhì: Phạm Thị Hòa (Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng); Ba: Nguyễn Anh Thư (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương); Tư: Lê Minh Phương (Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng).
Các đấu thủ cờ Vua nữ đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, từ trái qua phải: 1. Vũ Thị Quỳnh, vô địch cờ Vua nữ Hà Nội 1982; 2. Phạm Thị Hòa (Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng, giải nhì 1982; 3. Nguyễn Anh Thư, giải ba 1982; 4. Đỗ Tú Lan (Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng). |
Với thành tích đó Vũ Thị Quỳnh đã trở thành nữ vô địch cờ Vua đầu tiên của thủ đô Hà Nội vào năm 1982. Bốn đấu thủ đứng đầu của giải này đã được cử đi tham dự Giải vô địch cờ Vua nữ quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1983.
2. Phạm Hương Giang (Trường PTCS Trưng Vương) - Đấu thủ nữ thiếu niên đầu tiên đoạt ngôi vô địch Giải cờ Vua nữ Hà Nội (1983)
Tiếp theo đó vào năm 1983, sau khi Giải vô địch cờ Vua quốc gia 1983 kết thúc, lúc này đấu thủ nữ cờ Vua ở Hà Nội đã tăng thêm nhiều về số lượng và chất lượng, thành phố tiếp tục tổ chức Giải vô địch cờ Vua nữ Hà Nội 1983 vào cuối tháng 12/1983 và kết thúc vào ngày 1/1/1984.
Đặc biệt ở giải này một số lượng vận động viên nữ thiếu niên và trẻ vừa được đào tạo bài bản từ các trung tâm cờ Tướng của các đơn vị thuộc thành phố đã tham dự giải. Những đấu thủ nổi danh thời đấy như: Phạm Hương Giang (Trường PTCS Trưng Vương), Nguyễn Thanh Thúy, Nguyễn Trần Thủy Trinh (Trường PTCS Việt Nam - Cu Ba), Trương Thị Hải Đường (Bộ Tài chính)… đã tham dự giải. Kết quả là:
Nhất: Phạm Hương Giang (Trường PTCS Trưng Vương, 13 tuổi); Nhì: Trương Thị Hải Đường (Bộ Tài chính); Ba: Nguyễn Thanh Thúy (Trường PTCS Việt Nam - Cu Ba, 13 tuổi).
Từ trái qua phải: 1. Phạm Hương Giang, vô địch cờ Vua nữ Hà Nội 1983; 2. Trương Thị Hải Đường, giải nhì; 3. Nguyễn Thanh Thúy, giải ba; 4. Nguyễn Trần Thủy Trinh. |
Với thành tích đó Phạm Thị Hương Giang trở thành đấu thủ nữ thiếu niên đầu tiên của Hà Nội đoạt ngôi vô địch Giải cờ Vua nữ Hà Nội 1983, khi mới 13 tuổi.
3. Phạm Thị Hòa (Bộ Xây dựng, Hà Nội) - Đấu thủ nữ đầu tiên đoạt ngôi vô địch nữ cờ Vua quốc gia (1983)
Năm 1983 tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Giải vô địch nữ cờ Vua quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Giải được diễn ra từ ngày 12 - 28/4/1983, bao gồm 7 đấu thủ nữ, thi đấu vòng tròn một lượt, đó là: Vũ Thị Quỳnh, Phạm Thị Hòa (Hà Nội 1); Nguyễn Anh Thư, Lê Minh Phương (Hà Nội 2); Trần Thị Ngọc Bích, Hoàng Thị Hường (Bình Trị Thiên) và Nguyễn Thị Công (Lạng Sơn) (Hình 3 và Hình 4). Kết quả như sau:
Nhất: Phạm Thị Hòa (Bộ Xây dựng, Hà Nội); Nhì: Nguyễn Anh Thư (Hà Nội); Ba: Trần Thị Ngọc Bích (Bình Trị Thiên); Tư: Vũ Thị Quỳnh (Hà Nội).
Từ trái qua phải: 1. Phạm Thị Hòa (Bộ Xây dựng, Hà Nội), vô địch nữ cờ Vua quốc gia đầu tiên 1983; 2. Nguyễn Anh Thư (Hà Nội), giải nhì; 3. Trần Thị Ngọc Bích (Bình Trị Thiên), giải ba; 4. Vũ Thị Quỳnh (Hà Nội), thứ tư. |
Giải cờ Quốc tế (nay là cờ Vua) nữ toàn quốc 1983, từ trái qua phải: 1. Phạm Hương Giang, vô địch Hà Nội 1983; 2. Trần Thị Ngọc Bích (Bình Trị Thiên), giải ba toàn quốc 1983; 3. Hoàng Thị Hường (Bình Trị Thiên); 4. Vũ Thị Quỳnh (Hà Nội), thứ tư toàn quốc 1983, vô địch Hà Nội 1982; 5. Trương Thị Hải Đường (Bộ Tài chính), giải nhì Hà Nội 1983; 6. Nguyễn Anh Thư (Hà Nội), giải nhì toàn quốc 1983, giải ba Hà Nội. |
Với kết quả đó đấu thủ Phạm Thị Hòa (Bộ Xây dựng, Hà Nội) đã trở thành nữ vô địch cờ Vua đầu tiên của Việt Nam, 1983.
4. Các nữ đấu thủ cờ Vua của Bộ Xây dựng (1980-1990)
Giai đoạn 1980-1990 Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều giải cờ Vua của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ. Lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ rất quan tâm đến phong trào Văn hóa – thể dục thể thao của Ngành, đặc biệt là Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, Viện Kinh tế xây dựng… trong đó có bộ môn cờ Vua, góp phần quan trọng trong việc xây dựng phong trào cờ Vua ở Việt Nam nói chung.
Trong giai đoạn này ngoài các đấu thủ nêu trên, nhiều đấu thủ cờ Vua nữ khác của Bộ Xây dựng đã đoạt được nhiều thứ hạng cao của đơn vị, của Bộ Xây dựng, của thành phố Hà Nội như: Phan Thanh Mai, Lưu Kim Nga, Trương Quỳnh Phương, Nguyễn Thị Thúy…
|
Tất cả những danh thủ nữ cờ Vua đầu tiên ấy của Hà Nội và của Bộ Xây dựng đến nay đều đã thành đạt trong sự nghiệp riêng của mình: Vũ Thị Quỳnh trở thành VĐV/HLV môn cờ Vua và là một trong số 5 thành viên đầu tiên của Tiểu ban huấn luyện thuộc Liên đoàn Cờ Việt Nam; Nguyễn Anh Thư hiện nay là Phó tổng thư ký của Liên đoàn Cờ Việt Nam; Phạm Hương Giang là vận động viên cờ Vua nữ đầu tiên của Việt Nam theo học Đại học thể dục thể thao ở Liên Xô, bộ môn cờ Vua, hiện là Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Cờ Việt Nam; Đỗ Tú Lan hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hàm Vụ trưởng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị; Trương Thị Hải Đường hiện là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Phan Thanh Mai hiện là Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam…
Nhân dịp ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3/2014 chúc các nữ kỳ thủ ngành Xây dựng và trên cả nước luôn xinh đẹp, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp của mình.
PGS. TS Lưu Đức Hải
Theo