(Xây dựng) – Hệ thống tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với ngành Xây dựng. Việc áp dụng tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc xây dựng giúp đảm bảo chất lượng thi công công trình.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Trải qua thời gian hơn 60 năm hình thành và phát triển ngành Xây dựng, hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam nói chung và hệ thống tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc trong xây dựng nói riêng dần được hoàn thiện và phát triển.
Trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng và các bộ ngành khác đã biên soạn, công bố được nhiều tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực đo đạc chuyên ngành đó là: TCVN 9360:2012 về quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học; TCVN 9398:2012 về công tác trắc địa trong xây dựng công trình - yêu cầu chung; TCVN 9399:2012 về nhà và công trình xây dựng - xác định chuyển dịch ngang bằng phương pháp trắc địa; TCVN 9400:2012 về nhà và công trình xây dựng dạng tháp - xác định độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa; TCVN 9401:2012 về kỹ thuật đo và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình; TCVN 9434:2012 về điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản - công tác trắc địa phục vụ địa vật lý…
Tiêu chuẩn kỹ thuật là cơ sở để đánh giá, phân loại đồng thời động lực thúc đẩy ứng dụng tự động hóa, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, từ đó huy động sự tham gia rộng rãi từ các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước như hiện nay, các công trình xây dựng đang ngày càng được nâng cao và gắn liền với việc thi công các công trình thì tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc giữ vị trí quan trọng trong xây dựng phục vụ cho các công tác quy hoạch, thiết kế công trình. Hệ thống tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc trong xây dựng giúp đảm bảo tính trung thực, khách quan trong việc khảo sát các công trình xây dựng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều bất cập trong nội dung tiêu chuẩn chưa được phát hiện kịp thời đề chỉnh sửa, hệ thống tiêu chuẩn chưa bao phủ hết tất cả các lĩnh vực của ngành Xây dựng. Một số nội dung dịch từ tài liệu nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc xây dựng chưa hoàn toàn theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng trong bối cảnh hội nhập của thị trường xây dựng hiện nay ở nước ta.
Việc cho phép áp dụng tự nguyện nhiều hệ thống tiêu chuẩn quốc tế làm phá vỡ tính hệ thống của tiêu chuẩn và gây khó quản lý việc sử dụng tiêu chuẩn. Chưa có một chiến lược chung về phát triển hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, dẫn đến giữa các Bộ ngành vẫn còn tình trạng chồng chéo về phạm vi, đối tượng áp dụng, mất tính liên thông trong việc áp dụng tiêu chuẩn giữa các lĩnh vực. Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ động tích cực xây dựng một số tiêu chuẩn về khảo sát, đo đạc trong ngành Xây dựng, góp phần phát triển hệ thống tiêu chuẩn xây dựng.
Từ những thực trạng và khó khăn tồn tại, có thể thấy việc đổi mới hệ thống tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc trong xây dựng tại Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Việc định hướng đổi mới hệ thống tiêu chuẩn khảo sát đo đạc trong xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng. Hơn nữa, việc định hướng tiêu chuẩn khảo sát, đo đạc trong xây dựng cần phù hợp điều kiện Việt Nam và hội nhập với trình độ thế giới.
Nhật Minh
Theo